Tiền hỗ trợ: Nghệ sĩ ở nhà biệt thự thì có, thợ hồ mất việc lại không
Thông tin có vẻ như rất khó tin: Một số nghệ sĩ kinh tế khá giả, thậm chí giàu có bất ngờ có tên trong danh sách nhận hỗ trợ trong khi ở nhiều địa phương các lĩnh vực như thợ hồ, thợ sắt không thể nhận được tiền vì chưa có… chủ trương.
“H.Đ khoe biệt thự nhà phố 3 mặt tiền” là tít báo hồi tháng 4.2021 nói về căn nhà đang sửa của một diễn viên khá nổi tiếng mà anh đã ở 10 năm. Thế nhưng tháng 8, H.Đ “bất ngờ” thấy mình có tên trong danh sách nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ theo Nghị quyết 68.
Cùng với H.Đ là hàng chục diễn viên có tiếng khác cũng “bất ngờ” không kém. Tất nhiên là nhiều diễn viên khẳng định là sẽ không nhận hỗ trợ.
Việc đưa các nghệ sĩ “có của ăn của để” vào danh sách là rất hài hước. Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng tư trong các đơn vị công lập được nhận một lần số tiền 3.710.000 đồng. Việc thực thi quá cứng nhắc và không căn cứ vào thực tế .
Cứng nhắc lại là câu chuyện ở một số địa phương. Một công dân tên là Nguyễn Trung Lương ở Vĩnh Long hỏi rằng: “Anh trai tôi ở huyện Bình Tân, làm công cho cửa hàng nhôm sắt nhưng không ký kết hợp đồng lao động.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, cửa hàng ngưng hoạt động nên anh tôi nghỉ làm mấy tháng nay, cuộc sống đang rất khó khăn. Khi nghe UBND tỉnh Vĩnh Long có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do mất việc, anh tôi mong được giúp đỡ để có tiền lo cho vợ và 2 con nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo từ chính quyền địa phương”.
Cổng thông tin điện tử Vĩnh Long trả lời: “Căn cứ Quyết định số 2083/QĐ-UBND ngày 4.8.2021 của UBND tỉnh Vĩnh Long thì riêng lao động là thợ hồ, làm công cho cửa hàng nhôm sắt… không có hợp đồng lao động, nghỉ việc do chủ thầu hoặc chủ cơ sở ngưng hoạt động thì đang chờ chủ trương của tỉnh”.
Ở Đồng Tháp, phải tới tận ngày 29.8, nghĩa là 2 tháng sau khi triển khai gói hỗ trợ thì 4 nhóm lao động mới được bổ sung để nhận hỗ trợ là thợ hồ, phụ hồ; người giúp việc nhà; người tự làm vá vỏ xe mô tô, xe đạp trên các tuyến lộ; người quanh năm sống từ thu nhập chính là làm thuê, làm mướn (trồng lúa, chăm sóc lúa, thu hoạch lúa bằng thủ công; bốc vác tại các cơ sở, cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng vật liệu xây dựng; bốc vác lúa tại các bến bãi lên xuống tàu, ghe, xe tải; gánh cá thuê tại các chợ).
Hai địa phương có hai cách làm khác nhau cho thấy vấn đề lớn trong việc xác định đối tượng nhận hỗ trợ.
Mới đây, đích thân Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã chỉ đích danh cách địa phương phía nam chậm triển khai các chính sách của Nghị quyết 68.
Cụ thể, có 2 tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ là Bến Tre và Vĩnh Long. 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc là Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.
5 tỉnh, thành chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc, gồm: Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên. 3 địa phương chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.
Thậm chí, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung còn cho rằng, một số địa phương khó khăn về kinh phí, có tình trạng khi cơ quan chức năng tham mưu hoặc đề xuất chính sách triển khai Nghị quyết 68, lãnh đạo địa phương đã không kết luận được việc có chi hay không chi, bao giờ chi.
Cứng nhắc hay thờ ơ đều tạo ra sự bất công và nó bộc lộ một căn bệnh nguy hiểm giữa thời COVID-19: Bệnh vô cảm với dân.
Theo: https://laodong.vn/ban-doc/tien-ho-tro-nghe-si-o-nha-biet-thu-thi-co-tho-ho-mat-viec-lai-khong-948765.ldo?