GIẢI TRÍ

Luật sư Bùi Đình Ứng: “Chỉ những người quyên góp tiền từ thiện mới có quyền đòi hỏi sao kê” bà Phương Hằng không thể tự cho mình cái quyền đó

Trên bản sao kê trên Ngân hàng chứa đựng nhiều thông tin nhạy cảm như: tên người chuyển, số tiền, số tài khoản… điều này dẫn tới rất nhiều phiền toái, hệ lụy” – luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ với Dân Việt.

“Sao kê” đang là từ khóa hot nhất trên mạng xã hội thời điểm này, sau những lùm xùm xung quanh việc giải ngân tiền từ thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz Việt.

Mới đây, vào ngày 7/9, MC Trấn Thành đã đăng tải hơn 1000 trang bản sao kê số tiền mà các Mạnh Thường Quân quyên góp trong đợt ủng hộ lũ lụt miền Trung năm 2020, tuy nhiên những cuộc tranh luận gay gắt về tính minh bạch vẫn nổ ra. Nhiều người ủng hộ việc làm của nam nghệ sỹ, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng bản sao kê của anh có nhiều điểm còn chưa rõ ràng.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng về những vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động từ thiện cá nhân cũng như quan điểm của ông về việc sao kê tài khoản tiền từ thiện.

Luật sư Bùi Đình Ứng. (Ảnh: NVCC)

Thưa luật sư Bùi Đình Ứng, về mặt pháp luật, liệu một người ủng hộ tiền từ thiện có quyền được biết thông tin về việc sử dụng khoản tiền từ thiện mà mình tự nguyện đóng góp?

– Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về vấn đề quyên góp từ thiện cho một cá nhân. Nghị định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn cũng đang trong giai đoạn dự thảo.

Tuy vậy, nói như thế không có nghĩa người huy động không có nghĩa vụ thông báo cho các Mạnh Thường Quân biết rằng tôi đã huy động được bào nhiêu tiền, chi hết bao nhiêu và chi cho những việc gì. Quan điểm của tôi là tuy pháp luật không ràng buộc, cũng không có thỏa thuận nhưng người đứng ra quyên góp phải có nghĩa vụ giải trình khi Mạnh Thường Quân yêu cầu. Lý do là bởi người đứng ra vận động quyên góp không phải đối tượng được ủng hộ, hưởng thụ mà họ chỉ là người đại diện, chuyển số tiền này tới đối tượng người gửi cần giúp đỡ. Đừng nghĩ rằng khi tiền vào tài khoản của mình, thì mình muốn làm gì, quyết định như thế nào cũng được.

Người đứng ra kêu gọi, vận động quyên góp đương nhiên phải có nghĩa vụ làm đúng tôn chỉ, mục đích, nguyện vọng của các Mạnh Thường Quân. Họ phải công khai, minh bạch việc thu chi khi người ủng hộ yêu cầu bằng cách giải trình, sao kê tài khoản… Điều này dễ hiểu bởi khi số tiền ủng hộ được chuyển vào tài khoản, nó chắc chắn sẽ được rút ra (để mua hiện vật) hoặc chuyển khoản đi (ủng hộ đối tượng từ thiện).

Trên sao kê, biến động tài khoản sẽ thể hiện người chủ tài khoản rút tiền mặt ra, hoặc chuyển thẳng tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác.

Thật ra sao kê cũng chỉ thể hiện một phần thôi, nó cho chúng ta biết số tiền nhận vào bao nhiêu, rút ra bao nhiêu, hiện trong tài khoản còn chừng nào. Tính minh bạch của việc từ thiện còn ở việc giải ngân có đúng và trúng hay không nữa?. Từ thiện đúng là gì?

Ví dụ, một nghệ sĩ cho biết cô ấy đã xây một ngôi nhà tặng ai đó ở địa phương bị lũ lụt, cô ấy phải có xác nhận của địa phương và các chứng từ liên quan về số tiền mà mình đã chi ra làm nhà; mua 100 thùng sữa, 200 thùng mì tôm thì giá như thế nào, phiếu thu, hóa đơn ở đâu…?

Từ thiện “trúng” là đúng đối tượng, đúng mục tiêu được đề ra ban đầu, ví dụ như: không được lấy tiền quyên góp ủng hộ lũ lụt ở miền Trung để chuyển sang ủng hộ cho quỹ bệnh nhân mổ tim. Nếu chuyển sang mục đích khác, người nghệ sĩ cần xin phép những người đã quyên góp, nếu người nào không đồng ý thì phải hoàn trả lại tiền cho họ.

Cũng cần phải nói thêm là có thể trong 1000 người ủng hộ, 999 người không yêu cầu, chỉ có 1 người yêu cầu, người đứng lên quyên góp cũng phải đáp ứng yêu cẩu của người đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghệ sĩ không phải sao kê cho công chúng, chỉ cần sao kê khi người quyên góp yêu cầu. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

– Điều này đúng. Ví dụ như tôi không có quyền yêu cầu Hoài Linh hay Thủy Tiên sao kê cho tôi biết họ quyên góp được bao nhiêu, đã chi ra như thế nào. Họ chỉ có nghĩa vụ thông báo cho những người ủng hộ số tiền này, người nào ủng hộ thì phải thông báo cho người ấy. Nếu nghệ sĩ công bố toàn bộ thông tin trên bản sao kê lên mạng xã hội nhưng người ủng hộ không cho phép, vô hình chung họ lại là người vi phạm.

Trên bản sao kê tài khoản ngân hàng có chứa đựng các thông tin như: tên người chuyển, số tiền, số tài khoản, thời gian chuyển…điều này dẫn tới nhiều hệ lụy khác nhau nếu thông tin của họ bị lộ. Không phải ai cũng muốn người khác biết họ ủng hộ từ thiện, do nhiều nguyên nhân tế nhị.

Giả sử trong trường hợp người nghệ sĩ cung cấp thông tin sao kê từ thiện cho một người ủng hộ, người đó lại cung cấp thông tin sao kê lên mạng xã hội thì lại khác. Chính người ủng hộ đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi cung cấp thông tin sao kê của mình.

Còn trong trường hợp nếu Cơ quan điều tra yêu cầu thì chẳng những cá nhân người đứng lên vận động quyên góp phải cung cấp mà ngay cả Ngân hàng cũng phải có nghĩa vụ cung cấp sao kê theo yêu cầu của Cơ quan điều tra và cũng không phụ thuộc vào các Mạnh Thường Quân có đồng ý hay không.

Ngày 7/9 vừa qua, MC Trấn Thành đã tung hơn 1000 trang sao kê tài khoản anh từng sử dụng để quyên góp từ thiện. (Ảnh: FBNV)

Nếu người nghệ sĩ kêu gọi sử dụng số tiền từ thiện cho mục đích cá nhân, liệu họ có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, khi mà sự quyên góp của cộng đồng mang tính tự nguyện?

– Có hai tình huống trong vấn đề vừa nêu ra. Trường hợp thứ nhất, khi anh sử dụng không đúng mục đích của người ủng hộ, anh phải hoàn trả lại cho những người ủng hộ số tiền đó. Ví dụ, nghệ sĩ A kêu gọi ủng hộ lũ lụt miền Trung, nhưng sau đó anh ta lại chuyển số tiền đó cho quỹ bệnh nhân mổ tim. Anh ta cần thông báo trước và nhận được sự đồng ý. Nếu người nào đó không đồng ý, nghệ sĩ A phải hoàn trả cho người đó..

Trường hợp thứ 2 là nghệ sĩ A không chi ra hoặc có chi ra nhưng không hết mà để lại sử dụng vào mục đích cá nhân; ví dụ như: anh ta huy động được 5 tỷ nhưng chỉ làm từ thiện có 3 tỷ thôi, số tiền 2 tỷ còn lại anh mua nhà, sắm ô tô để sử dụng cho mình thì đó là hành vi gian dối. Anh ta đã lợi dụng lòng tin, lòng tốt của các Mạnh Thường Quân để trục lợi; hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

Người đó sẽ chịu bồi thường số tiền mà mình chiếm đoạt, chứ không phải toàn bộ số tiền mình huy động. Ví dụ: Anh A huy động được 170 tỷ, anh A thông báo đã chi hết nhưng điều tra cho thấy mới chỉ giải ngân 160 tỷ, số tiền còn lại đã biển thủ làm của riêng thì anh A sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về 10 tỷ đã chiếm đoạt đó.

Ở chiều hướng ngược lại, khi một người tố cáo nghệ sĩ A “ăn chặn tiền từ thiện”, nhưng điều tra cho thấy anh ta hoàn toàn minh bạch. Liệu người tố cáo đó có chịu trách nhiêm trước pháp luật?

– Trước hết, phải khẳng định người không ủng hộ từ thiện không có quyền đứng lên tố cáo ai đó phạm tội vì đã chiếm đoạt tài sản của mình (ví dụ như tôi không có quyền làm đơn tố cáo Hoài Linh hay Thủy Tiên vì tôi không quyên góp cho họ) nhưng họ lại có quyền báo tin về tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp lợi dụng quyền này mục đích để nhằm triệt hạ uy tín của nhau trong khi biết rõ các tài liệu, thông tin mà mình cung cấp là sai sự thật nhưng vẫn cố tình tố cáo, tố giác hoặc tung tin lên mạng xã hội thì hành vi của họ đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. Tùy theo tính chất, mức độ thì hành vi của họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc cũng có thể bị xử lý hình sự về “Tội vu khống” theo Điều 156 Bộ luật hình sự.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn : Danviet

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button