CUỘC SỐNG

Hành trình vượt Covid-19 của gia đình 16 thành viên F0

Cả gia đình T. 16 người đều nhiễm Covid-19. Họ đã động viên nhau chiến đấu, đồng thời giành giật sự sống của mẹ khi tính mạng bà nhiều lần đứng trước cửa tử.

Doanh nghiệp và Tiếp thị đưa tin, 16 người trong gia đình B.T (29 tuổi) vừa chiến thắng Covid-19 sau chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật. Cả nhà đã phải tìm mọi cách, nỗ lực giữ gìn tính mạng, nhất là giành lại mẹ từ “tay tử thần”.

Gia đình B.T 16 người cùng sống chung nhà và đều cho kết quả dương tính với Covid-19. Trong đó, đáng lo nhất là mẹ T. (67 tuổi) mắc các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường nặng và bé nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi.

Cả gia đình T. đã đồng lòng cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi mắc Covid-19. (Ảnh: Thanh Niên)

“Ai cũng hoang mang. Hai đứa cháu học cấp 2 còn bật khóc nức nở vì sợ hãi. Người mình lo lắng nhất là mẹ, vì bà lớn tuổi lại có bệnh nền. Cả nhà cũng sợ cháu nhỏ 10 tháng tuổi không đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật” – cô tiết lộ.

Mỗi người có một dấu hiệu bệnh khác nhau nhưng đều xuất hiện tình trạng mất khứu giác, tiêu chảy, sốt ho… Vì là người khỏe nhất nhà nên T. đảm nhận mọi việc nấu ăn, dọn dẹp…

Gia đình có 6 phòng, mọi người tự chia ra để cách ly và giữ vệ sinh, xịt khuẩn thường xuyên. Mỗi người đều tự ý thức việc mang khẩu trang, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong quá trình chiến đấu, mọi người ăn uống theo chế độ bình thường, tập trung bổ sung thức ăn nóng, hoa quả, rau củ… Ngoài ra, thói quen tập thể dục cũng được duy trì thường xuyên. Riêng mẹ T. đã già lại nhiều bệnh nền nên cô phải đảm nhận việc xoa bóp, giúp bà vận động.

Mẹ T. có nhiều bệnh nền lại già nên rơi vào tình trạng nặng. (Ảnh: Dân Trí)

Phải sau 23 ngày, cả gia đình T. mới cho kết quả âm tính. Riêng bé 10 tuổi rất ngoan, mặt mày thời gian đầu hơi bơ phờ vì bỏ bú. Tuy nhiên, bé được uống hạ sốt, vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ nên các triệu chứng hết sau 4 ngày nhiễm.

Điều khó khăn và ám ảnh nhất với gia đình cô đó chính là quá trình giành lại mẹ từ “tay tử thần”. Có những lúc bà trở nặng nguy kịch, xuất hiện tình trạng nôn mửa, chỉ số SpO2 xuống thấp. Khi mẹ có dấu hiệu đột quỵ, T. bình tĩnh cho bà uống thuốc, tiêm liều hạ đường huyết. Trong đêm, gia đình cũng đã kịp thời nhờ người mua bình oxy. Sau khi cấp cứu kịp thời, tình trạng bà dần ổn định.

Thời điểm mẹ cô rơi vào nguy kịch. (Ảnh: Dân Trí)

Ngày hôm sau, T. liên hệ nhóm thiện nguyện để cung cấp oxy cho mẹ và được mượn một bình 40 lít. Mọi người đều tư vấn nên đưa mẹ tới viện, tuy nhiên T. sợ bà một mình, không ai chăm sóc. Sau khi họp bàn, cả gia đình quyết định nếu tình trạng bà chuyển nguy kịch mới đưa đi viện.

Thậm chí, trong quá trình cùng mẹ giành lại sự sống, anh trai T. vì quá lo lắng mà sốt 40 độ C. Cuối cùng, cô phải chạy vạy chăm sóc cho cả 2 người. Sang ngày hôm sau, mẹ rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê nên T. phải ép bà ăn cháo, uống nước và sữa. Cứ cách 15 phút, cô lại kiên trì đút thức ăn để cung cấp dưỡng chất cho mẹ. “Mình ép mẹ uống thuốc, đút từng viên một, dù nửa tỉnh nửa mê, nhưng bà vẫn cố gắng nghe theo lời con gái” – cô chia sẻ.

Không riêng ăn uống khó khăn, đến ngày thứ 8 của bệnh, mẹ T. xuất hiện triệu chứng đi tiểu cực khó. Các con phải lăn theo bình oxy, dìu bà vào nhà tắm, vừa chườm bụng vừa động viên mẹ đi vệ sinh. Tuy nhiên, nguy hiểm chưa dừng lại ở đây, cùng tối đó chỉ số SpO2 của mẹ T. xuống rất thấp.

Mẹ T. dần hồi phục. (Ảnh: Dân Trí)

Trong lúc nguy kịch, cô đã cố gắng kìm nén cảm xúc để chụp thêm mặt nạ thở cho mẹ, rồi ráng vỗ hông để khí dễ vào phổi. Cuối cùng, chỉ số của mẹ dần ổn định trở lại.

Cô chia sẻ: “Cả đêm mình chỉ nhìn mẹ, chốc chốc lại khẽ gọi mẹ mở mắt rồi đút nước, sữa và yến, không dám để mẹ ngủ… Cứ như vậy tới sáng, ban ngày thì mẹ đỡ hơn, chỉ số SpO2 tăng lên 90%, nhưng đêm xuống mẹ lại nguy kịch.”

Đến ngày thứ 9 của bệnh, mẹ T. được bác sĩ cấp cứu xuống khám rồi tiêm thuốc. Sang ngày 10, tình trạng sức khỏe bà ổn hơn, có thể uống hết một hộp sữa. Cuối cùng sau 15 ngày “chiến đấu với tử thần”, mẹ T. đã ăn đủ bữa, dần cai máy thở và ngày thứ 23 cho kết quả âm tính với Covid-19.

Không riêng gia đình B.T rất nhiều trường hợp khác đã vượt dịch thành công. Chẳng hạn gia đình anh T., tất cả các thành viên phát hiện dương tính với Covid-19 vào ngày 29/7 và được đưa đi cách ly ngay sau đó. Đêm đầu tiên, mọi người bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt, đau họng, mất vị giác…

Gia đình anh T. được đưa đi cách ly. (Ảnh: Zing)

Anh chia sẻ: “Không ai còn ngửi thấy mùi gì dù có bôi dầu gió xanh vào sát mũi. Ăn thì có cảm giác như mình đang nhai rơm, vừa khó nuốt, vừa không còn mùi vị, vừa buồn nôn. Nhìn những suất ăn có dán ‘hộp cơm tình thương’ mà lòng không cầm được, cố gắng nhai và nuốt để có sức đề kháng. Đến phần cháo được phát cho, mẹ tôi phải pha thêm nước lọc để dễ nuốt mà cũng chỉ ăn được một phần nhỏ.”

Suốt thời gian cách ly, các thành viên hỗ trợ nhau ăn uống, lau mồ hôi cho hạ sốt, đun nước xông… Đến ngày thứ 4, mẹ anh phải chuyển viện vì có nhiều bệnh nền. Các thành viên còn lại giảm bớt triệu chứng bệnh nên được đưa về Bệnh viện dã chiến số 10. Riêng bố T. điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Cả gia đình được ở chung một chỗ trong khu cách ly. (Ảnh: Dân Trí)

Sang ngày thứ 7, vì lo lắng nên anh xin phép vào viện cùng mẹ để tiện chăm sóc bà. Nhờ có con trai, tinh thần bà phấn khởi hơn nên các triệu chứng dần thuyên giảm. Một thời gian ngắn sau, tất cả thành viên trong gia đình anh T. đều khỏi bệnh và được về nhà.

Đối với những trường hợp trên, sau khi chiến thắng Covid-19, mọi người đều nhận định điều quan trọng là bình tĩnh và lạc quan. Còn bạn có suy nghĩ gì về những gia đình trên, hãy chia sẻ ý kiến ngay nhé.

Nguồn: yan.vn/hanh-trinh-vuot-covid19-cua-gia-dinh-16-thanh-vien-f0-276257.html

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button