Chưa được phân loại

VU LAN BÁO HIẾU CÓ CẦN PHẢI MÂM CAO CỖ ĐẦY, ĐỐT NHIỀU VÀNG MÃ?

Theo quan niệm dân gian thì ngày rằm tháng 7 âm lịch cũng được xem là lễ Vu Lan báo hiếu hoặc là ngày xá tội vong nhân, là ngày mà con cháu thể hiện sự báo hiếu, biết ơn, kính trọng với các bậc sinh thành và làm việc thiện.

Theo phong tục truyền thống thì lễ Vu Lan thường được nhiều gia đình Việt thực hiện từ đầu tháng 7 âm lịch cho tới ngày rằm. Vào dịp lễ này, mọi người thường sửa soạn mâm cao cỗ đầy để dâng lên tổ tiên đồng thời cũng có thói quen đốt rất nhiều vàng mã… nhưng, có nhất thiết phải làm như thế không?

Theo phong tục truyền thống thì nhiều gia đình Việt thường sửa soạn lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan. Ảnh: Hà Nội Mới

Được biết, lễ Vu Lan có nguồn gốc từ Đạo Phật và từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Ngày này là dịp để con cháu trong nhà tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và báo hiếu cha mẹ. Song song đó, để báo hiếu ông bà, tổ tiên và cha mẹ thì nhiều người còn đua nhau chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, đặc biệt là sắm sửa thật nhiều vàng mã để đốt với niềm tin rằng thế mới là hành động đúng đắn và mang đến cho gia đình nhiều may mắn, bình an.

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Ảnh: Sống Đẹp

Theo chia sẻ từ Thượng tọa Thích Đạo Hiển: “Ở Việt Nam, lễ Vu Lan không chỉ nhắc nhớ con cháu báo hiếu cha mẹ mà còn có ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn (lẫn báo ơn). Trong ngày này, nhiều người đặc biệt trân trọng công ơn cha mẹ sinh thành. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng để có cha mẹ, thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế, trong “mùa hiếu hạnh” này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, thể hiện sự hiếu kinh với ông bà, tổ tiên”.

Theo phong tục truyền thống thì lễ Vu Lan là dịp để con cháu tưởng nhớ tới tổ tiên… Ảnh: Petro Times

…báo hiếu cha mẹ và tri ân đấng sinh thành của mình. Ảnh: ermakova_photography

Theo lời Phật dạy, mỗi người có những cách khác nhau để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đấng sinh thành của mình. Có người tưởng nhớ tới tổ tiên, cha mẹ, những người thân quen đã khuất bóng, những người đang sống bằng nhiều cách như ăn chay, niệm Phật, làm phúc, đến chùa nghe thuyết pháp… Có người giúp đỡ và quan tâm đến cha mẹ, những người thân quen, chú trọng giúp đỡ cộng đồng để báo hiếu và tri ân công đức để được hưởng công phúc chung.

Tuy vậy, theo thời gian, những nét đẹp văn hóa trong ngày lễ Vu Lan đã bị nhiều gia đình làm sai lệch, thậm chí còn bị yếu tố mê tín tác động mà rõ ràng nhất là tục đốt vàng mã. Vì có quan niệm ấy nên dịp Vu Lan nhiều gia đình, bên cạnh việc sắm sửa lễ vật dâng cúng tổ tiên thì còn mua rất nhiều vàng mã để đốt. Nhà nào ít thì vài xấp tiền vàng… còn nhà nào nhiều thì hoá vàng cả quần áo, nhà lầu xe hơi… cho “người cõi âm”.

Với nhiều gia đình, tuy vẫn nhận thức được rằng việc đốt vàng mã là việc làm vừa gây ô nhiễm môi trường bởi khói bụi vừa tốn tiền tốn của nhưng họ vẫn cứ quan niệm “ông bà xưa làm sao thì giờ mình vậy”. Thậm chí, ngay cả khi đến chùa cầu phúc cầu may và trong chùa đã đặt biển cấm đốt vàng mã thì việc làm ấy thì vẫn rất phổ biến với nhiều người.

Tuỳ quan niệm của mỗi gia đình và vùng miền mà mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 có đôi chút khác nhau, có nơi cúng chay… Ảnh: Thời Đại

…nhưng có nơi lại sửa soạn mâm cỗ mặn dâng cúng tổ tiên ông bà. Ảnh: Thể thao & Văn hoá

Theo thông tin trên trang Phật Giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ rõ rằng trong quan niệm Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Bên cạnh đó, giấy dùng làm vàng mã thường là những loại giấy tạp phẩm, không sạch… trong khi bàn thờ gia tiên là nơi thanh tịnh, linh thiêng, để con người thờ cúng tổ tiên với lòng kính. Phật giáo cũng quan niệm rằng, “cứu một người phúc đẳng hà sa”, thế nên thay vì dùng tiền mua vàng mã đốt thì dành để cứu người, hỗ trợ người nghèo và tất nhiên việc làm ấy mang ý nghĩa tốt hơn nhiều.

Lễ Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc từ Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên chúng ta đốt vàng mã trong ngày lễ này. Ảnh: Phật Giáo

Thay vì tốn kém tiền của cho việc đốt vàng mã thì nên dùng nguồn tiền ấy giúp những mảnh đời kém may mắn hơn mình. Ảnh: Báo Quảng Bình

Chia sẻ trên báo Hà Nội Mới, Hòa thượng Thích Đàm An (trụ trì chùa Linh Quang) còn nhấn mạnh rằng: “Lễ Vu Lan báo hiếu không câu nệ lễ vật, mà quan trọng là tấm lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thay vì làm những việc phi lý, vô ích như sắm sanh thật nhiều lễ vật, tốn kém để cúng tế thì hãy chuyển nguồn công đức đó làm từ thiện, giúp đỡ người kém may mắn hơn trong xã hội”.

“Trong thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân đã hướng về những lời răn dạy này để có những việc làm mang lại giá trị, ý nghĩa thiết thực hơn cho cộng đồng. Đây cũng là cách loại trừ hủ tục, tập quán không còn phù hợp, gìn giữ, bồi đắp văn hóa truyền thống của dân tộc” – Hòa thượng Thích Đàm An chia sẻ thêm.

Theo thời gian, Vu Lan báo hiếu đã trở thành ngày lễ để chúng ta tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhớ bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng chính là cốt lõi của văn hóa Việt với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đã và đang được gìn giữ bên cạnh việc loại trừ dần những hủ tục và giảm thiểu lễ nghi rườm rà, lãng phí.

Nguồn: bestie.vn/2021/08/vu-lan-bao-hieu-co-can-phai-mam-cao-co-day-dot-nhieu-vang-ma

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button