Tranh cãi việc nhắn tin có nên đi thẳng vào vấn đề
Nhắn tin thế nào để gây ấn tượng với đối phương là kỹ năng mà các bạn trẻ cần phải trau dồi, nhất là trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện tại.
Ngày nay khi mạng xã hội phát triển, mọi người thường trao đổi công việc, cuộc sống qua tin nhắn. Chính vì vậy, nhắn tin cũng là một kỹ năng quan trọng mà mỗi người cần biết và trau dồi để thuận lợi hơn trong cuộc sống, công việc.
Quan điểm về cách nhắn tin được chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)
Mới đây, một người đã chia sẻ quan điểm về văn hóa nhắn tin nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Theo đó, anh chàng nhận định, với lối sống nhanh như hiện tại, việc nhắn tin đi vào trọng tâm là cần thiết để tiết kiệm thời gian cho đôi bên. Anh thấy bị làm phiền nếu ai đó nhắn tin chào nhưng không nói thẳng vấn đề. Những người này sẽ thường đợi đối phương trả lời rồi mới bắt đầu trình bày.
Quan điểm này đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người đồng tình với chàng trai, họ cho rằng việc đi thẳng vào trọng tâm là tôn trọng đối phương. Thậm chí, một số cư dân mạng khẳng định, nếu mở tin nhắn chỉ thấy chào hỏi, gọi theo kiểu: “Bạn ơi, mình hỏi cái này, bạn ơi mình hỏi một chút được không…” sẽ lập tức làm ngơ, không muốn trả lời.
Cộng đồng mạng tranh cãi về việc có nên vào thẳng vấn đề khi nhắn tin. (Ảnh: Chụp màn hình)
Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều lại cho rằng, có thể người nhắn đang muốn trao đổi vấn đề nhạy cảm hay cần nhờ vả nên mới không nói luôn. Khi gặp những trường hợp như vậy, mỗi người cần bình tĩnh, có cái nhìn thoáng hơn. Ngoài ra, việc nhắn tin chào lại chỉ một vài câu đơn giản như: “Chào bạn, mình đây có vấn đề gì à bạn, có chuyện gì không bạn…” nó không mất quá nhiều thời gian.
Nick N.P.T chia sẻ: “Cách nói này cho thấy người ta muốn chắc chắn mình đang đọc tin nhắn rồi mới đi vào nội dung, thường là chuyện khó nói. Ví dụ như các bạn cần mượn tiền gấp, các bạn làm thế này ít bị giả ngơ hơn. Trừ khi các bạn dùng tin nhắn điện thoại tốn phí, còn không thì cái lượt tin nhắn nó đáng là bao. Chủ động trả lời, dạ được thì vẫn tạo cảm giác đang lắng nghe hơn cho đối phương.”
Tuy nhiên, bạn T.M.Q lại nêu quan điểm: “Ghét nhất kiểu nhắn tin mà không nhắn luôn nội dung chính, nhất là ở những người bạn lâu không liên lạc, người lạ, người quen không thân thiết… Không nhắn nội dung luôn để mình còn biết đường mà xử lý, đọc tin nhắn mở đầu không có nội dung của mấy người như thế ức chế vô cùng, ai hay bị nhờ vả mới hiểu cảm giác.”
Mỗi người cần để ý đến cách nhắn tin để không làm đối phương khó chịu. (Ảnh minh họa: Twitter)
Việc nhắn tin thế nào cho lịch sự cũng từng được blogger The Present Writer có hơn 300 nghìn lượt theo dõi trên Fanpage chia sẻ. Theo đó, chị nhận định đừng bao giờ gửi những tin nhắn không rõ nội dung như: “Chào chị, chị rảnh không nhắn tin với em chút nhé, em hỏi chị chút được không…”. Bởi lẽ, với những người bạn xin nhận trợ giúp, họ sẽ rất nhiều việc, khó có thể trực cả ngày bên điện thoại để trả lời tin nhắn.
Chính vì vậy, để có thiện cảm với đối phương, hãy đề cập vào nội dung cụ thể mà mình mong muốn. Chẳng hạn: “Em chào chị, em biết chị từ… Em có một số thắc mắc sau mong chị có thể giúp em…” Nếu bạn đơn giản chỉ muốn tâm sự cá nhân chứ không phải sự giúp đỡ cũng nên đề cập cụ thể trong tin nhắn. Nếu trường hợp nội dung cần truyền tải quá dài, nên sử dụng email thay vì tin nhắn.
Nữ blogger chia sẻ về cách nhắn tin. (Ảnh: Chụp màn hình)
Một lưu ý khác, bạn cần tình hiểu kỹ thông tin trước khi đặt câu hỏi cho đối phương. Hãy kiểm tra thử, liệu những thông tin này đã được đối phương chia sẻ, đăng tải ở trên nền tảng mạng xã hội nào chưa. Hoặc kiến thức này có thật sự phức tạp đến mức phải đi nhờ người khác hay chỉ đơn giản có thể hiểu qua Google.
Hiện tại, quan điểm nhắn tin như thế nào cho lịch sự vẫn đang là đề tài khiến nhiều người tranh cãi. Còn bạn nghĩ gì về các quan điểm trên, hãy chia sẻ ý kiến ngay nhé.
Nguồn: yan.vn/tranh-cai-viec-nhan-tin-co-nen-di-thang-vao-van-de-275211.html