GIẢI TRÍ

Quá khứ nghèo khổ của NSƯT Hạnh Thúy: Quanh năm ăn bánh mì chấm muối, không dám mơ tô cháo

“Bữa nào cũng đi ngang thấy bạn bè ngồi trong quán xì xụp mà mình không dám nhìn, cũng chưa bao giờ dám tưởng tượng mùi vị tô bún, tô cháo lòng ra sao vì sợ thèm”, NSƯT Hạnh Thúy viết.

Mới đây, NSƯT Hạnh Thúy bất ngờ chia sẻ về thời nghèo khổ của mình. Cái thuở chị đang là sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nay là Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, do thầy Minh Nhí làm chủ nhiệm.

Thấy bạn ngồi ăn tô cháo lòng cũng không dám nhìn vì sợ thèm!

Trên trang cá nhân, Hạnh Thúy viết: “Tự dưng nhớ thời mà ổ bánh mì có nhét dưa leo và muối tiêu trị giá 1.500 đồng, bánh mì thịt 3.000 đồng.

Mình quanh năm ăn bánh mì chấm muối tiêu 1.000 đồng, hôm nào ngán quá thì ráng thêm 500 đồng để được nhét mấy cọng dưa leo, xin thêm gói muối tiêu nhỏ để dành nhấm nháp, bữa nào đi quay karaoke thì ăn bánh mì thịt được khoảng 1 tuần.

Có một điều mấy người ở trường Nghệ thuật sân khấu chắc không tin: học trường 3 năm mà tận 10 năm sau mình mới dám ghé quán chị Diệu ăn một tô cháo lòng rồi một tô canh bún đủ topping. Thường chỉ dám mua một miếng bánh khoai mì tam giác nhỏ là coi như sang lắm.

Thời sinh viên, Hạnh Thúy rất đắt show quay hình ảnh cho karaoke và làm mẫu ảnh.

Bữa nào cũng đi ngang thấy bạn bè ngồi trong quán xì xụp mà mình không dám nhìn thẳng cũng chưa bao giờ dám tưởng tượng mùi vị tô bún, tô hủ tiếu, tô cháo lòng ra sao vì sợ thèm.

Nhớ luôn vài đứa bạn đã cùng nhau bẻ đôi ổ bánh mì chỉ có muối tiêu dưa leo mà ngon té xỉu. Còn ăn trưa, chiều thì nhất định là cơm đậu hũ kho củ cải giá 3.500 đồng/dĩa. Bà Năm chủ quán hỏi, sao con không ăn thịt kho, giá 5.000 đồng/dĩa, mình nói ngán thịt, chớ thật ra tiếc 1.500 đồng.

Sau còn giả bộ nói bưng đĩa về ăn cho ngon, chớ thật ra đem về chia đôi ra, hai người ăn chung cho đỡ tốn hoặc ăn hai cữ sáng chiều.

Lại mang ơn bà Năm bán cơm, bà Năm biết mình hà tiện nên giả bộ múc lộn thịt hoài, lâu lâu lại lạc mấy miếng thịt vô, cằn nhằn vì sợ bị tính thêm tiền mà bà Năm cười hì hì: “Năm lỡ tay múc, thôi con ăn đỡ”…

Mình còn có bà bạn siêu tiết kiệm khác: đầu tuần đi chợ mua 1 kg rau má, 1 kg cá nục, mấy lít gạo, về kho nồi cá để đó, ngày nào cũng ăn cơm với cá nục kho và rau má luộc hoặc ăn sống hoặc rau muống suốt cả năm trời.

Cái này thì giống hồi còn dưới quê, ba hay mua cả kí cá nục nhỏ kho ăn dần, mỗi bữa ăn một, hai con. Ngày đầu ăn còn gỡ xương, mấy ngày sau cá mềm rục, nước kẹo lại tại “hâm đi hâm lại” miết.

Ngày cuối cùng ăn cá, thì phải lấy muỗng cạo cái nước sệt sệt dưới đáy, rồi bỏ cơm vô trộn đều gọi là món vét nồi mà… má ơi, nó ngon. Nói chung đói và thiếu thốn giống gì cũng ngon”.

Dù có quá khứ nghèo khổ nhưng hiện tại, NSƯT Hạnh Thúy rất nổi tiếng trong nghề và chị cũng có điều kiện kinh tế khá vững vàng. Chị thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ những người khốn khó.

Nhắc mình, nhắc con: Có cái ăn là còn mừng!

Từ chuyện khổ ngày xưa, NSƯT Hạnh Thúy nghĩ tới những khó khăn hiện tại. Dù phải hà tiện tối đa nhưng nữ nghệ sĩ vẫn gieo năng lượng tích cực và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến khi đại dịch đi qua.

“Bữa giờ giãn cách, nói thật, mình cứ hình dung chắc mọi chuyện không xong sớm được nên cũng liệu đường tiết kiệm và hạn chế đi chợ tối đa. Thế là rau củ quả được phân bố theo kiểu đầu xanh đuôi đỏ: một lần đi mua vài loại rau xanh, đa phần là củ, quả để được lâu như su su, su hào, bắp cải, cải đỏ, cải trắng, củ sắn, khoai mỡ, khoai lang, bí đỏ, bí xanh, bầu, khoai môn…

Vậy là cứ mấy ngày đầu thì ăn rau xanh như rau muống, bồ ngót, mồng tơi… Hết rau xanh thì yên tâm ăn tới quả rồi củ. Rất may mắn khi khu của mình, các chị bán cũng không tăng giá nhiều, có tăng thì cũng chút ít do trắc trở xe cộ.

May nhà có trồng được vài chậu rau thơm, kết quả của những lần ăn lá rồi lấy rễ, cành giâm lại mà có được hai chậu xà lách xoong Nhật, bồ ngót Nhật.

Lại rắc hột càng cua khắp nơi, lâu từ chỗ này chỗ kia cũng mọc được vài bụi càng cua xanh um, có khi nó mọc từ cục gạch bỏ quên ngay kẹt cửa, tội ghê! Vậy mà cải thiện và tiết kiệm.

Sát nhà mình có miếng đất trống, ngoài đó rau dại như xuyến chi, mơ lông, chùm ngây, dền cơm mọc cũng hơi nhiều, vậy là có thêm nguồn rau xanh nếu cần. Mắc cười là mình hái rau đó ăn, hàng xóm cứ trầm trồ: ồ, ăn được hả? hay ha? Đó, có tí kỹ năng sống dễ sống sót hơn nhỉ?

Còn thịt cá thì thường xuyên “kho độn”, độn củ cải, độn thơm, độn cơm dừa, cái này mua rẻ lắm vì nhiều người mua nước dừa nhưng không lấy cái. Và luôn nhắc các con cũng như nhắc chính mình: ráng. Còn có cái ăn là còn mừng.

Dù cuộc sống đã khá giả nhưng Hạnh Thúy thừa nhận mình rất tiết kiệm, thậm chí đôi lúc tới hà tiện. Có lẽ quá khứ vất vả ngày xưa là dấu ấn quá sâu đậm đối với chị và vô tình trở thành một tính nết, bản chất khó thay đổi của chị.

Sắp tới sẽ siết chặt chuyện đi lại, có thể khó khăn sẽ tăng rất nhiều, nhất là với những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn sẽ lại càng khốn khó hơn, nhưng như nhiều anh chị nói: coi như một cuộc đại phẫu, thà đau đớn rồi hết bệnh còn hơn chết dần chết mòn, có vẻ như mọi người đã chuẩn bị tinh thần cao nhất. Rất hi vọng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát.

Và hi vọng, nếu như những gì được thông báo, thực phẩm sẽ được đưa tới tận nơi, và xin đừng bỏ sót ai, nhất là những người nghèo.

Một điều hi vọng nữa: những người có thời gian và điều kiện ngồi bàn phím nhiều hãy bớt phán truyền, bớt than vãn, bớt chỉ trích, bớt chê bai, bớt đòi hỏi và nhường phần hỗ trợ, nếu có cho người khốn khó hơn. Hi vọng lớn nhất: rồi dịch sẽ qua”!

Nguồn: https://vietgiaitri.com/qua-khu-ngheo-kho-cua-nsut-hanh-thuy-quanh-nam-an-banh-mi-cham-muoi-khong-dam-mo-to-chao-20210823i5978516/

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button