Các địa phương kêu gọi nhận trẻ mồ côi do dịch: Không để ai thiệt thòi
Không chỉ hỗ trợ về mặt đời sống xã hội, nhiều địa phương còn triển khai các chương trình trị liệu tâm lý cho các em mồ côi do dịch bệnh Covid-19.
Dịch bệnh bùng phát đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con, khiến cho hàng ngàn em học sinh trên khắp cả nước trở thành trẻ mồ côi. Thông tin từ đại diện Sở GD-ĐT cho biết, chỉ tính riêng tại TP.HCM thôi đã có đến 1.517 trường hợp trẻ em mồ côi do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Đứng trước thực trạng đáng buồn này, ngoài những chính sách hỗ trợ, nhiều địa phương còn ra sức vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm sóc và đỡ đầu trẻ em mất cha mẹ do dịch.
Nhiều em nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. (Ảnh: Thanh Niên)
Nhiều em nhỏ mồ côi do dịch bệnh
Chia sẻ với VnExpress, chị L.T.A.N (32 tuổi, sống tại ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) xót xa cho biết, mẹ chị đã bỏ đi được 10 năm, còn bố thì vừa qua đời do Covid-19. Suốt hơn một tháng qua, chị đã phải chật vật lắm mới có thể sắp xếp ổn thỏa chuyện ăn ở, học hành cho 5 đứa em đang trong độ tuổi đến trường. Trong đó, bé nhỏ nhất mới vào lớp 5, hai đứa tiếp theo vừa chuyển lên cấp 3 còn đang nợ học phí, một em gái lớp 8 và một em trai học lớp 12.
Do bà nội đã già yếu, cô chú xung quanh đều có gia đình không thể bao bọc cùng lúc 5 đứa trẻ, thế nên một mình chị N phải gánh vác trách nhiệm nuôi 5 đứa trẻ. Đối với chị, điều an ủi nhất bây giờ chính là các em biết tự lập, tự nấu ăn, dọn dẹp, đứa lớn lại chăm sóc, hướng dẫn đứa nhỏ học hành.
Các em nhỏ trong khu cách ly. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều địa phương kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm
Không chỉ gia đình chị A.N, huyện Bình Chánh còn có hơn 100 trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch giúp đỡ và tìm người đỡ đầu cho tất cả các em. Đến nay, riêng Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh đã nhận đỡ đầu 5 bé đến ít nhất 18 tuổi. Trong đó, bé nhỏ nhất mới học lớp 2, còn bé lớn nhất đã vào cấp 3.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một bé 13 tuổi mất cả bố lẫn mẹ, phải tự mình nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày, với sự chăm sóc, giúp đỡ của người cậu gần nhà. Các em nhỏ khác cũng có gia cảnh rất khó khăn.
Vì vậy, để hỗ trợ cho các em, Ban chỉ huy quân sự huyện đã tặng mỗi trẻ nhỏ một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Số tiền này sẽ dùng để trang trải học phí và các khoản phát sinh cơ bản trong những năm học phổ thông. Để có đủ kinh phí thực hiện, Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh kêu gọi tất cả cán bộ, chiến sĩ đóng góp và vận động thêm từ các nhà hảo tâm.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn phân công từng cán bộ phải đồng hành với gia đình để động viên các em nếu chẳng may gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống. Sau khi các em qua 18 tuổi, Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh sẽ đánh giá vào khả năng học tập của mỗi người để tiếp tục tính toán có hướng hỗ trợ tiếp theo.
Nhiều em nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh: Sức Khoẻ và Đời Sống)
Hiện tại, Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh đang làm rất tốt việc nhận đỡ đầu trẻ mồ côi do dịch theo mô hình “Trao gửi yêu thương”. Chia sẻ với VnExpress, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch huyện khẳng định: “Chúng tôi sẽ không để bất kỳ trẻ mồ côi vì Covid-19 trên địa bàn thiếu ăn, thiếu mặc hoặc phải bỏ học với lý do không có tiền”. Hàng ngày, Ban Dân vận cùng với UBND huyện, 16 xã, thị trấn sẽ tiến hành rà soát, cập nhật danh sách trẻ em mồ côi, tùy hoàn cảnh để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Các trường học trên địa bàn cũng đã tiến hành xây dựng mô hình “bạn giúp bạn”, “đôi bạn học tập” để tạo điều kiện cho các em học tập. Về phía Hội phụ nữ sẽ đảm nhiệm vai trò tiếp nhận, quản lý các nguồn lực do huyện vận động chăm lo cho trẻ, sau đó báo cáo định kỳ cho lãnh đạo huyện và các đơn vị đồng hành.
Mạnh thường quân đến tặng quà cho các em nhỏ mồ côi bố mẹ do dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Nhân Dân)
Còn tại quận Bình Tân – địa phương cũng ghi nhận hơn 100 em mồ côi do Covid-19 – cũng đang triển khai nhiều khoản hỗ trợ theo quy định. Thông tin từ Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết, trước mắt, địa phương đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 35 trường hợp khó khăn nhất, mỗi em 5 triệu đồng.
Về phương án lâu dài, các phường sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách để quận tìm phương án giúp đỡ cụ thể nhất. Bà Dung nói: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các quỹ học bổng hoặc kết nối doanh nghiệp đỡ đầu các em”.
Ngoài chăm lo về mặt đời sống, nhiều địa phương còn phối hợp với các tổ chức xã hội, các chuyên gia tạo thành mạng lưới tư vấn, trị liệu khủng hoảng tâm lý và hỗ trợ pháp lý cho các em mồ côi khi cần. Thông tin này do bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết.
Nhân viên y tế đang đùa vui, động viên em nhỏ. (Ảnh: Pháp Luật Plus)
Các em nhỏ mồ côi do dịch sẽ nhận được trợ cấp đầy đủ
Tuổi Trẻ đăng tải, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra quyết định hỗ trợ một triệu đồng cho những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12 nhưng có mẹ nhiễm Covid-19. Với những em nhỏ có cha hoặc mẹ là F0 đã qua đời, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do dịch bệnh sẽ nhận được mức hỗ trợ 2 triệu đồng. Tất cả nguồn kinh phí được nêu trong chính sách này đều sẽ trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Riêng những trường hợp mồ côi cả cha mẹ sẽ được trợ cấp hàng tháng theo chính sách chung của nhà nước. Cụ thể, các bé dưới 4 tuổi là 900 nghìn đồng, ngoài độ tuổi này là 540 nghìn đồng. Đồng thời, từ nay đến 16 tuổi, các em còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường.
Chính quyền đến tận nhà trao tiền trợ cấp cho các em nhỏ mồ côi. (Ảnh: Người Lao Động)
Với sự hỗ trợ tối đa từ phía chính quyền, chắc chắn các em sẽ phần nào được ổn định cuộc sống hơn. Mong rằng dịch bệnh có thể sớm qua đi, để không còn ai phải mất người thân nữa.
Nguồn: yan.vn/cac-dia-phuong-keu-goi-nhan-tre-mo-coi-do-dich-khong-de-ai-thiet-thoi-276530.html?fbclid=IwAR0VxRv1qzeXz6TN3VdL-tLUFIGE2BTkF95SlIUe6Pir-F3kpMUKDSLpXDg