Thủy Tiên, Trấn Thành, Mr Đàm bị ngân hàng “vả thẳng” khi lươn lẹo “không thể sao kê do dịch”: Ngồi nhà vẫn sao kê được cả 1 năm
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện một số ngân hàng cho biết hiện hầu hết các ngân hàng đều có hai loại hình sao kê tài khoản là trực tiếp tại phòng giao dịch hoặc trực tuyến (online). Trong trường hợp khách hàng không thể di chuyển từ nhà đến phòng giao dịch các ngân hàng để làm thủ tục sao kê, thì có thể sao kê trực tuyến tại nhà.
Trấn Thành, Thuỷ Tiên và Đàm Vĩnh Hưng là 3 nghệ sĩ mà nhiều người cho rằng cần minh bạch số tiền quyên góp từ thiện, bằng biện pháp công bố bản sao kê của ngân hàng. Trong đó, một cá nhân từng tuyên bố đang giữ trong tay sao kê tài khoản của Đàm Vĩnh Hưng.
Theo đó, với sao kê trực tiếp tại ngân hàng, chủ tài khoản phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, điền giấy yêu cầu sao kê theo mẫu sẵn của ngân hàng có chữ ký chính chủ tài khoản và trả phí sao kê. Bản sao kê sẽ được ngân hàng đóng dấu và chữ ký của nhân viên ngân hàng nên có đầy đủ tính pháp lý dùng trong hồ sơ, thủ tục hành chính hoặc làm bằng chứng để khiếu nại hoặc tố cáo khi phát hiện ra những sai sót xảy ra trong quá trình giao dịch…
Hiện mức phí sao kê tuỳ vào từng ngân hàng, dao động từ 2.000 – 5.000 đồng/trang. Đối với in sao kê phát sinh giao dịch cho cả năm, phí in tối thiểu là 30.000 đồng/lần, còn in sao kê trên 12 tháng, phí tối thiểu là 50.000 đồng/lần.
Với việc sao kê online ngay trên giao diện tài khoản internet banking, chỉ chủ tài khoản hoặc người biết rõ tên đăng nhập, mật khẩu, hình thức xác nhận (qua tin nhắn điện thoại đã đăng ký)… mới có thể thực hiện được sao kê. Loại hình này thường các ngân hàng giới hạn là chỉ sao kê trong 1, 2 năm gần nhất.
Ngoài ra, khách có thể tự in sao kê ngay tại máy rút tiền tự động (ATM) của các ngân hàng nơi mình đăng ký tài khoản.
Liên quan đến thông tin một số người cho rằng đang nắm giữ bản sao kê ngân hàng của các nghệ sĩ nổi tiếng, huy động quyên góp từ công chúng để làm từ thiện, nhiều người thắc mắc liệu việc này có hợp pháp hay không.
Luật sư Trương Hồng Điền – Đoàn luật sư TPHCM – cho biết theo Nghị định 117/2018 thì ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin sao kê tài khoản khách hàng khi được chính khách hàng đó yêu cầu, hoặc ngân hàng chỉ cung cấp cho cá nhân, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chỉ có 10 nhóm cá nhân của cơ quan sau mới có thẩm quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin sao kê tài khoản của khách hàng gồm: cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, Viện kiểm soát nhân dân, toà án nhân dân các cấp, điều tra viên các cơ quan điều tra, đơn vị nghiệp vụ, cơ quan thi hành án, cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cá nhân cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký văn bản nhà nước. Tất cả cá nhân của các cơ quan này đều phải tuân thủ theo các trình tự, thủ tục quy định rất chi tiết tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định 117/2018.
Do đó, nếu cá nhân không phải là chủ tài khoản ngân hàng và cũng không thuộc 10 nhóm cá nhân của các cơ quan có thẩm quyền nêu trên thì không được quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin sao kê tài khoản ngân hàng của người khác.
Ứng dụng của một ngân hàng cho phép khách sao kê trực tuyến
Theo luật sư Trương Hồng Điền, người tự ý cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng người khác sẽ phải chịu trách nhiệm về pháp lý. Bởi đây là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, đủ khởi tố hình sự. Là nhân viên ngân hàng cung cấp hay là hacker, đều có tội danh cho hành vi này.
Theo quy định, tội tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hoá trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng sẽ bị phạt hành chính từ 20 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 2 tháng đến 3 năm.
“Không nên dùng hành vi trái pháp luật để tố cáo vạch trần cái sai, cái xấu, không ai nhân danh đạo đức lại làm như vậy. Còn nếu người tuyên bố có sao kê khẳng định người khác chiếm đoạt tài sản, xong chỉ nói vu vơ thì cũng khó thoát hành vi vu khống” – luật sư Trương Hồng Điền nói.