Xúc động nữ bác sĩ quân y ôm cháu bé chạy bộ đi cấp cứu
Ôm cháu bé chạy trên quãng đường hơn 300 m để đưa vào khu cấp cứu ở Bình Dương, có lúc tưởng như nữ bác sĩ bị ngã gục xuống đường, nhưng chị đã gắng sức vượt lên, ôm cháu bé đã ngất lịm chạy vào bệnh viện.
Bác sĩ Linh ôm cháu bé chạy trên đường. Ảnh ĐỖ TRƯỜNG
Chiều 12.9, ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 P.Thuận An (TP.Thuận An, Bình Dương) xác nhận với PV Thanh Niên , người đã ôm cháu bé chạy hơn 300 m đưa vào bệnh viện cấp cứu là nữ bác sĩ quân y Phạm Khánh Linh (26 tuổi) được Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) điều động chi viện cho Bình Dương chống dịch.
Bác sĩ Linh chăm sóc cháu bé trên thùng xe tải . Ảnh ĐỖ TRƯỜNG
Theo ông Nguyễn Hữu Châu, khoảng 7 giờ 40 cùng ngày, Tổ phản ứng nhanh Covid-19 P.Thuận Giao nhận được thông tin từ trưởng khu phố Bình Thuận 1 (P.Thuận Giao) có hai mẹ con cháu bé 4 tháng tuổi ở nhà trọ cầu cứu cần được hỗ trợ y tế.
Ngay lập tức, nữ bác sĩ quân y Phạm Khánh Linh được điều xuống hiện trường để hỗ trợ. Sau khi thăm khám, cháu bé có tình trạng khó thở, bỏ bú nhiều ngày, test nhanh âm tính với Covid-19.
Nữ bác sĩ chạy trên quãng đường hơn 300 m . Ảnh ĐỖ TRƯỜNG
Chia sẻ với PV, bác sĩ Linh cho biết: “Khi tôi đến nhà trọ, cháu bé đã có biểu hiện ý thức lơ mơ, suy hô hấp, bụng trướng… Xác định tình trạng nguy kịch của cháu nên tôi đã yêu cầu hỗ trợ xe cấp cứu để đưa đến bệnh viện nhanh nhất và gần nhất để cấp cứu”, bác sĩ Linh nói.
Tuy nhiên, thời điểm này các xe cấp cứu trong khu vực đều đã chở bệnh nhân đi các nơi, chỉ có chiếc xe tải của tình nguyện viên ở gần hiện trường nhất nên bác sĩ Linh quyết định đưa bình ô xy và cháu bé lên xe tải để đến bệnh viện.
Trên quãng đường đưa cháu bé đi cấp cứu, bác sĩ Linh liên tục có các thao tác cấp cứu cho cháu bé. Mẹ cháu bé ngồi trên thùng xe nét mặt vô cùng hoảng loạn.
Khi cháu bé được đến khu Bệnh viện quốc tế Becamex (TP.Thuận An, Bình Dương), do chưa thông thuộc các khu vực trong bệnh viện nên bác sĩ và tình nguyện viên đã dừng xe nhầm ở cổng phụ đang bị khóa.
Khi đến bệnh viện, nữ bác sĩ gần như mệt lả . Ảnh ĐỖ TRƯỜNG
Lúc này, bác sĩ Linh cũng ẵm cháu bé từ trên thùng xe tải nhảy xuống nhưng không vào được bên trong cổng phụ. Bác sĩ Linh tức tốc ôm cháu bé chạy tiếp hàng trăm mét để đến cổng chính đưa cháu bé vào khu cấp cứu, trong khi mẹ cháu bé và cũng chạy theo để hỗ trợ. Mẹ cháu bé vừa chạy vừa khóc “Xin hãy cứu con tôi!”.
Quãng đường vào khu cấp cứu gập ghềnh, ẵm cháu bé nằm bất động trên tay, vừa chạy, bác sĩ Linh vừa nói: “Gọi cấp cứu hỗ trợ…”. Trong mỗi bước chạy gấp gáp trên đường, có lúc tưởng như chị gục ngã. Nhưng không, chị lại tiếp tục ôm cháu bé chạy vào bên trong khu cấp cứu bằng những bước chân mạnh mẽ, kiên cường.
Sau khi được các y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Becamex hỗ trợ đưa vào phòng bệnh cấp cứu cho cháu bé. Bác sĩ Linh đứng ở ngoài chờ thông tin tình hình bệnh tình của cháu bé được một hồi lâu thì chị có điện thoại. Lại có một ca cấp cứu khác đang chờ.
Rời bệnh viện trên chiếc xe tải tình nguyện, bác sĩ Linh buồn bã vì tình hình của cháu bé tiên lượng rất xấu. “Lúc đưa cháu vào bệnh viện, chúng tôi đã cố gắng hô hấp cho cháu nhưng lúc này gần như cháu không còn thở nữa…”, bác sĩ Linh nói trong nước mắt.
Trao đổi với PV, bác sĩ, đại tá Lê Hữu Thăng, Chỉ huy lực lượng Quân y Học viện Quân y chi viện cho Bình Dương, nói: “Chúng tôi được cử vào đây toàn là các bác sĩ nội trú, có trình độ chuyên môn tốt, tinh thần cũng rất tốt. Chúng tôi cũng xác định với tinh thần cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, hỗ trợ cho Bình Dương chống chống dịch mà không hề lo ngại khó khăn, gian khổ”.
Bác sĩ Linh ôm cháu bé trong chạy đến khu cấp cứu . Ảnh ĐỖ TRƯỜNG
Chiều cùng ngày (12.9), PV nhận được thông tin cháu bé đã không qua khỏi. Ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 P.Thuận Giao cho biết sẽ đến bệnh viện và nhà trọ để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình cháu bé.
Cùng với lực lượng y tế tại địa phương, các y bác sĩ được các bộ, ngành và các tỉnh thành trong cả nước chi viện cho Bình Dương vẫn đang cố gắng không biết mệt mỏi để giành lại sự sống cho người dân từ tay tử thần Covid-19.
“Bệnh viện cứ mổ đi, tôi đảm bảo máu không thiếu!”
Lúc 13h45 phút, ngày 26/4, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận đã tiếp nhận một ca tai nạn giao thông khá đặc biệt mà bệnh nhân là một học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tánh Linh. Người đưa em vào viện cấp cứu lại chính là thầy giáo Võ Văn Cư hiện đang dạy em ở trường.
Thầy Cư kể lại: Trên đường đi dạy, thấy có vụ tai nạn giao thông nên tôi ghé lại xem có ai là người quen hay học sinh của mình để chăm sóc. Bất ngờ thấy một học sinh nằm bên đường, có một số người dân đứng xung quanh lót cặp lên đầu cho em nằm. Nhìn em trên người lại không xây xát, trầy trụa gì nhưng mặt mày tái mét và thở rất mệt.
Mọi người nói chờ người thân xuống nhưng thấy em trong tình trạng nguy kịch, mặc dù đang có tiết dạy nhưng tôi vẫn quyết định nhờ một em học sinh khác ngồi sau để chở em đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa gần đấy.
Bệnh viện nơi đây sơ cứu ban đầu và nói phải chuyển gấp đi Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cấp cứu nếu không em sẽ chết. Lúc này, người thân cũng không liên lạc được với ai, gấp quá tôi gọi xe cấp cứu chở em lên Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cách khoảng 50 km.
Các bác sĩ của bệnh viện nhanh chóng cấp cứu. Sau khi siêu âm, chụp X quang, bác sĩ chuyên khoa 2, Phó giám đốc bệnh viện, Hồ Ngọc Sơn chẩn đoán: “Em Hải bị vỡ gan, phải mỗ để sơ cứu và cần có ngay từ 4 – 6 đơn vị máu tươi. Có 2 phương án, một chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, hai là mổ tại chỗ.
Nhưng, nếu chuyển viện vào Sài Gòn, bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi. Nếu mổ tại đây thì hiện tại bệnh viện đang thiếu máu”.
Để cứu học trò, thầy Cư đã không ngần ngại ký vào bản cam đoan chịu trách nhiệm thay cho cha mẹ em Hải chưa đến kịp. Thầy bảo: “Bệnh viện cứ mổ cho em. Tôi bảo đảm máu không thiếu”.
Lời nói chắc như đinh đóng cột này đã tạo động lực và niềm tin cho bác sĩ Sơn và cả ê kíp mổ hôm ấy. Ngay lúc đó, thầy Cư nhắn thông tin cần máu để cứu giúp em Hải lên group giáo viên và báo cáo sự việc cho thầy Nguyễn Tấn Nha, Hiệu trưởng nhà trường biết.
Ngay lập tức, thông tin được phát đến tất cả thầy cô giáo và học sinh toàn trường. Thầy cô và học sinh có nhóm máu O, B đã tự nguyện lên xe nhà trường thẳng tiến bệnh viện để hiến máu cứu trò, cứu bạn.
Bác sĩ, Hồ Ngọc Sơn và kíp mổ đã hoàn tất ca mổ sau gần 2 giờ đồng hồ. Sáng ngày 27/4, bác sĩ Sơn đã vui mừng thông báo em Hải đã vượt qua cửa tử và hồi tỉnh.
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Hồ Ngọc Sơn nói rằng công việc của bác sĩ chỉ là công việc thường quy phải làm, là nhiệm vụ bình thường để cứu sống bệnh nhân. Điều đặc biệt ở đây là người thầy đưa đi cũng là người thầy cho máu. “Hồi hôm tôi đến thăm bệnh có 2 người thầy ngồi cả đêm với em. Sáng nay, vẫn có một cô với một trò đến viện tiếp tục cho máu”.
Được biết, gia đình em Nguyễn Thanh Hải khá khó khăn. Ba, mẹ làm thuê nhưng công việc cũng không ổn định. “Sắp tới đây, chúng tôi cũng sẽ vận động những nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm tiền viện phí cho em”, thầy Cư cho biết.
Nguồn: cuoc-song.com/10731/