Ngày nào còn đi nhặt rác, giờ cô bé này có cuộc sống khiến ai cũng ghen tị: Tri thức đúng là con đường ngắn nhất đến thành công!
Cuộc đời của cô bé này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Nhiều người vẫn nói rằng, đại học không phải cánh cửa duy nhất dẫn đến thành công. Bởi người ta có thể làm giàu bằng nhiều nghề nghiệp và chỉ cần giỏi một nghề thì không lo chết đói.
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của tri thức! Học vấn có thể không phải con đường duy nhất nhưng chắc chắn: Nó là con đường bền vững nhất, và ngắn nhất dẫn đến thịnh vượng. Câu chuyện của Sophy Ron – cô bé nhặt rác ở Campuchia chính là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Từ một bé gái không biết chữ, Sophy đã vươn lên trong cuộc sống, đổi đời ngoạn mục và còn nhận được học bổng của Đại học Melbourne, Úc. Từ nơi tăm tối, Sophy đã “rũ bùn”, vươn đến một tương lai tươi sáng.
Sophy Ron – Cô gái nghèo ở Campuchia vươn lên trong cuộc sống nhờ học tập.
Cô bé nhặt rác ở Phnom Penh, khoác trên mình chiếc áo thủng lỗ chỗ…
Sophy Ron sinh ra tại Phnom Penh, Campuchia trong một gia đình nghèo khó. Cả gia đình cô bé có 8 người, thường xuyên phải sống lang bạt, nay đây mai đó. Từng có lần, Sophy và gia đình phải chen chúc trong một chiếc lều rách nát, ngay cạnh bãi rác hôi thối. Có những ngày mưa to, nước tràn vào lều nhưng cả nhà chẳng biết làm gì ngoài nằm ngủ trong cảnh ướt sũng.
Túp lều rách nát này là nơi sinh sống của gia đình Sophy.
Ngay từ nhỏ, Sophy đã phải dậy sớm, đi nhặt rác đến tối mịt để phụ giúp gia đình. Bãi rác nơi cô bé này “làm việc” chính là bãi Steung Meanchey – bãi rác lớn nhất Đông Nam Á, được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Ở bãi rác này, những đứa trẻ sẽ phải lội qua hàng tá lớp rác gồm chất thải bệnh viện, thức ăn thối rữa,… để nhặt nhạnh.
Không khí bao phủ bởi làn khói cay nồng và hôi thối. Từng có lần, Sophy suýt chết khi bị một chiếc xe tải chở rác lao tới. Nếu không có người chạy đến kéo ra kịp, cô bé đã bị bánh xe nghiến phải.
Mỗi ngày nhặt rác, Sophy kiếm được 50 cent (khoảng 11.000 VNĐ). Số tiền này tuy nhỏ nhưng có thể phụ giúp gia đình em mua gạo. Nếu hôm nào không kiếm đủ tiền, thức ăn của Sophy sẽ là hoa quả, thức ăn thừa bới lên từ đống rác. Có thứ đã thối rữa và bị ruồi bu đen kịt.
Cả tuổi thơ của Sophy Ron không hề có manh áo mới. Em chỉ có đúng một bộ quần áo bẩn thỉu, rách lỗ chỗ, được tìm thấy trong bãi rác cạnh nhà. Tiền ăn đã chẳng có nên tất nhiên, Sophy và những người anh chị em của mình chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện được đi học.
Tuy nhiên cuộc đời cô bé nghèo này đã thay đổi hoàn toàn nhờ một cuộc gặp gỡ định mệnh. Đó là cuộc gặp gỡ với Scott Neeson – nhân viên của Quỹ trẻ em Campuchia (CCF) – tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ trẻ em nghèo học hành và phát triển tài năng.
Sophy từng suýt chết bởi những những chiếc xe chở rác.
Rời xa gia đình, chuyển đến Úc và trở thành sinh viên Đại học Melbourne
Năm 11 tuổi, khi Sophy đang nhặt rác thì gặp được Scott Neeson. Cô bé lúc ấy đội một chiếc mũ len đỏ, trên vai là một bao rác lớn. Thấy máy ảnh, Sophy cười rạng rỡ, nụ cười hồn nhiên và ngây thơ dù hoàn cảnh sống cơ cực.
“Cháu có muốn đến trường và học Tiếng Anh không?”, Scott hỏi. Không biết Tiếng Anh là gì nhưng Sophy khao khát được đi học và lập tức đồng ý với đề nghị của Scott. Bố mẹ của Sophy, những người chưa học hết lớp 2 cũng hoàn toàn ủng hộ con gái. Dù việc đó có nghĩa, Sophy sẽ phải rời xa gia đình và chuyển đến Úc để học tập.
Cuộc gặp gỡ định mệnh giúp Sophy đổi đời.
Tại đất nước mới, Sophy đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để hoàn thành xuất sắc cấp học phổ thông. Nhờ thành tích học tập tốt, Sophy nhận được học bổng toàn phần tại trường Cao đẳng Trinity. Đây là trường cao đẳng nội trú liên kết với Đại học Melbourne danh giá từ năm 1876.
Sophy được chọn phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của trường Cao đẳng Trinity.
Sophy hiện là sinh viên Đại học Melbourne.
Sau hai năm học cao đẳng, Sophy tốt nghiệp thủ khoa và vinh dự được nhà trường chọn đọc bài diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp. Không chỉ vậy, cô gái trẻ tiếp tục nhận được một suất học bổng toàn phần tại Đại học Melbourne. Tại Campuchia, gia đình của Sophy không còn đi nhặt rác nữa mà chuyển về một vùng quê yên bình sinh sống. Các anh chị em của cô cũng được đến trường.
Được biết, Sophy dự định sau khi hoàn thành việc học sẽ trở về Campuchia để làm công việc kinh doanh.
Người đàn ông “kì lạ” giữa thời đại 4.0: Tự cắt tóc, tìm hoa quả mọc ven đường để ăn, không dùng điện thoại vì tiết kiệm, tối giản nhu cầu để tìm hạnh phúc
Theo Thanh Hương
Pháp luật và bạn đọc