Lương mấy chục triệu, ăn tiêu sang chảnh, dịch mất việc xin từng đồng mẹ gửi từ quê
Xu hướng của giới trẻ vài năm gần đây, nhất là với những người độc thân, là làm được đồng nào chi tiêu cho hưởng thụ cá nhân hết đồng ấy, thậm chí còn chi tiêu trước rồi trả tiền sau.
Lối sống này đã ăn sâu vào một bộ phận giới trẻ và được lan tỏa một cách tự nhiên thông qua những tấm hình “sống ảo” trên mạng xã hội. Đó là khi họ đăng tải lên mạng xã hội để “khoe” về những bữa ăn nhà hàng sang chảnh, những chuyến du lịch ở những vùng đất mới,… tất cả tạo nên một vẻ hào nhoáng khiến nhiều người phải ghen tị.
Tuy nhiên, cuộc sống tưởng chừng như đáng mơ ước ấy đã nhanh chóng qua đi khi dịch Covid-19 ùa tới. Không ít người mất việc làm, không có thu nhập rồi mới giật mình nhận ra mình đã sai lầm khi trước đây chưa từng nghĩ đến chuyện tích lũy.
Ảnh minh họa.
L.H.H, một cô gái trước đây làm việc ở quán bar và sống một cuộc sống không cần biết đến ngày mai. Mới đây cô gái trẻ này tạo nên một cuộc tranh luận khi “tâm sự” trên một diễn đàn chuyên về hỗ trợ những người gặp khó khăn do dịch bệnh.
“Em làm bar, là cái nghề mà vừa nổ dịch đã nghỉ từ những ngày đầu tiên. Kể từ cách đây 4 tháng em đã thất nghiệp. Mấy ngày hôm nay hết sạch tiền, phải ăn mì với cả tự làm bánh bằng bột mì cho qua bữa. Bà chủ nhà thì chiều qua vừa dọa đuổi nếu không trả trước bà ấy 1 ít (nợ 2 tháng). Em thật sự nghĩ không bao giờ mình có cái ngày như ngày hôm nay. Trước em làm bar kiếm cũng khá, nên có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chả bao giờ biết tiết kiệm, để dành … giờ mới thấm …..”
Tâm sự của cô gái nhân viên quán bar.
Phân tích về thực trạng này, chị Celin Pham cho rằng xu hướng của giới trẻ hiện nay là đi du lịch, khám phá thiên nhiên và khám phá bản thân. Họ có những lý thuyết sống giản đơn, sống hết mình cho bữa nay không nghĩ đến ngày mai. Lối sống này là do học hỏi tư tưởng phương Tây nhưng các bạn quên mất một điều là trợ cấp xã hội ở các nước phương Tây tương đối tốt nên họ mới sống như thế.
“Mình già gần nửa đời người nên mình hiểu ý nghĩa của việc cần kiệm. Mong sau dịch các bạn tiêu pha bớt lại,” chị Celin Pham nói.
Chia sẻ của cô gái trẻ làm quán bar nhận được nhiều sự đồng cảm của nhiều thành viên diễn đàn. Thành viên N.T.N bình luận: “Đến bây giờ mới thấy thấm rằng cần phải có ít vốn giắt lưng. Không chỉ cho những lúc như thế này mà còn là lo cho khi ốm đau”.
Một thành viên khác bình luận: “Mình thấy nhiều người rõ ràng đi làm bao nhiêu năm, bây giờ đến cái ăn cũng không có thì cũng hơi lạ. Ít nhất cũng phải đủ sức lo cho bản thân, không sang chảnh nhưng cũng không bao giờ để mình đói.”
“Qua dịch này mới có nhiều bài rút ra và tiết kiệm một khoản là một trong bài học đấy. Tuổi trẻ ăn tiêu không tiết kiệm sau này về già lại vất vả.”
Chị D.V.D cho biết, đây là lý do vì sao luôn phải cố gắng tích cóp dù ít hay nhiều, bản thân gia đình chị trước đây hai vợ chồng đều có thu nhập khá nhưng không bao giờ dám tiêu hoang, thậm chí cả tháng không dám ăn hàng vì còn phải lo tiết kiệm.
“Bây giờ dịch cả hai vợ chồng không đi làm được thì lại lại lôi tiền tích góp ra ăn. Cũng chẳng mở miệng xin chủ nhà trọ giảm tiền nhà dù cả hai vợ chồng đều không được đi làm mấy tháng nay rồi, vì mình biết tiền thuê nhà cũng là tiền bỉm sữa của con người ta”, chị D.V.D nói.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, với những người độc thân có thu nhập có phần nhỉnh hơn so với mặt bằng chung của xã hội khi chưa có dịch họ luôn tự tin vào khả năng kiếm tiền của mình. Do vậy, việc đặt mục tiêu đi du lịch trong và ngoài nước cùng hội bạn thân là điều hiển nhiên với họ.
Hương, một cô gái quê Tuyên Quang làm việc cho một công ty truyền thông tại Hà Nội. Với mức thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng, cô gái này đặt mục tiêu mỗi năm đi du lịch nước ngoài một lần. Ngoài ra, những chuyến du lịch trong nước cùng hội bạn độc thân của cô vẫn luôn “phủ kín” bảng tin Facebook của Hương. Tuy nhiên, thật khó tin là giờ đây cô phải trông chờ vào việc bố mẹ ở quê hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền ăn hàng ngày trong những ngày cô bị mắc kẹt tại “vùng đỏ”.
“Gần 10 năm đi làm, chỉ nghĩ đến chuyện shopping cho riêng mình, cố mua bằng được chiếc điện thoại mới nhất, thậm chí nhịn ăn để có tiền book vé đi du lịch,… Đến bây giờ mới hiểu vì sao bố mẹ mình ở quê ngày xưa có thói quen tích lũy mỗi khi bán được lứa lợn. Thế mới có tiền xây nhà và nuôi cả đàn con ăn học.”, Hương chia sẻ.
Về lý thuyết, mức tiêu dùng ngày càng cao của giới trẻ là động lực để kinh tế phát triển thông qua các loại hình dịch vụ, sản xuất. Hơn nữa, việc khám phá những vùng đất mới thông qua các chuyến du lịch đem lại cho mỗi người những trải nghiệm đáng quý. Tuy nhiên, việc có một khoản “giắt lưng” vẫn luôn là việc cần làm và càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Dịch bệnh Covid-19 đã đem đến cho chúng ta những bài học rõ ràng, bắt buộc chúng ta phải thực thi.
Hiền Anh