Chuyên gia truyền thông bóc trần kiểu từ thiện “nửa mùa” của Trấn Thành, Thủy Tiên: Nghiệp dư nhưng tự cho mình đúng
Bình luận về những lùm xùm từ thiện của các nghệ sĩ trong thời gian qua, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng các nghệ sĩ thực hiện sao kê là trách nhiệm phải làm, trách nhiệm với 3 đối tượng: mạnh thường quân, người dân miền Trung và người hâm mộ. Lý do bởi điều đó tốt cho chính bản thân các nghệ sĩ, chưa cần đề cập tới khía cạnh pháp lý.
Vị chuyên gia nhận định động thái tung sao kê của Trấn Thành là rất tốt, cho bản thân Trấn Thành vì “minh bạch được tới đâu thì tốt cho bản thân nghệ sĩ tới đó”. Nó giúp mạnh thường quân, người dân miền Trung và người hâm mộ – nếu yêu quý và đặt niềm tin vào Trấn Thành có thể củng cố niềm tin mà họ đang có. Tuy nhiên, điều này vô nghĩa với antifans, với những người đang không đặt niềm tin vào Trấn Thành.
“Người ta chỉ tin vào những gì người ta muốn tin. Đó là chân lý, về khía cạnh truyền thông!”, ông Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.
“Nếu đặt giả thiết Trấn Thành không chủ ý ăn chặn tiền từ thiện (tức là, tiền từ thiện ra-vào trong tài khoản Trấn Thành có thể chênh, nhưng không nhiều, không đáng kể và cũng không phải do ý muốn chủ quan mà chỉ là khách quan), thì Trấn Thành có sai không? Mấu chốt vấn đề nằm ở đây nhé các bạn.
Trấn Thành (cũng tương tự với Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, và nhiều nghệ sĩ khác nữa), tự cho rằng họ đúng. Và đấy chính là cái sai căn bản nhất. Cái sai này là không thể cứu chữa, và nếu không dừng lại sớm, không quay xe, thì sẽ phát sinh ra nhiều cái sai khác nữa và hệ quả cuối cùng có thể là bị đẩy qua những cái sai không cách nào cứu vãn.
Về căn bản, các nghệ sĩ chỉ “tạm coi là đúng” nếu:
– Có kế hoạch trước khi kêu gọi
– Thực hiện thu đúng kế hoạch
– Thực hiện chi đúng kế hoạch (đúng số tiền, đúng đối tượng, đúng thời gian)
– Có hóa đơn chứng từ cho mọi giao dịch thu chi
– Có tổng kết – kiểm toán – giải trình
Như vậy, để “đúng”, thì nhìn vào thấy ngay 99% nghệ sĩ làm không “đúng” theo lý thuyết được đâu. Đụng vào đâu là sai ở đấy.
Ví dụ như Trấn Thành, không có kế hoạch thu, cũng không có kế hoạch chi. Nói là chi cho đối tượng A nhưng lại chuyển tiền cho đối tượng B (rồi giải thích là đối tượng B sẽ chi ngược cho đối tượng A nên tôi vẫn đúng).
Bỏ qua sao kê của Trấn Thành là sai hay đúng, thiếu hay thừa hay đủ, thì Trấn Thành chưa có hóa đơn chứng từ cho các khoản chi. Gần đây nhất, cô Hary – vợ Trấn Thành – còn hồn nhiên khoe tiền trong quỹ còn dư chút đỉnh (khoảng 9 triệu), nên vợ chồng cô “hào phóng” chuyển luôn 10 triệu cho UBMTTQ một cách tự hào. Nhưng nội hành động “ghim tiền” tới ngày đó đã là sai quá sai, sai nghiêm trọng mất rồi.
Nhưng các bạn nhìn vào sẽ thấy, bản thân người trong cuộc họ không nhận thức như vậy. Họ cho rằng đó là làm đúng. Kể cả Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, hay Thủy Tiên cũng đều có chung suy nghĩ như vậy. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng ngay cả khi không có vấn đề gì với tổng số tiền, thì các hành vi nhỏ nhỏ đấy đã là sai rồi, chứ không thể nào đúng được, nếu hiểu câu chuyện làm từ thiện của nghệ sĩ theo mô hình của Quỹ từ thiện chuyên nghiệp”.
Do đó, vị chuyên gia truyền thông cho rằng nguồn cơn của cuộc k h ủ n g h o ả n g không nằm ở tổng số tiền.
“Nguồn cơn hỏa hoạn nằm ở chỗ nghệ sĩ đã và đang nghĩ tới việc làm từ thiện một cách a-ma-tơ, làm kiểu “xuề xòa” còn cư dân mạng đang đòi hỏi và soi chiếu việc làm của nghệ sĩ theo quy chuẩn của những Quỹ từ thiện chuyên nghiệp. Hai điều này vĩnh viễn và mãi mãi không thể “gặp nhau”.
Và kết quả là gì? Là nghệ sĩ càng cố chứng minh mình đúng, thì cư dân mạng càng soi ra đủ chi tiết để kết luận họ sai. Đó là kiểu ông nói gà, bà nói vịt, chẳng đi đến đâu, không có hồi kết, và đương nhiên, sau mỗi lần giao c h i ế n như vậy, đối tượng chịu thiệt hẳn nhiên là nghệ sĩ.
Vậy khi đã biết tâm đám cháy nằm ở chỗ đó, thì nghệ sĩ sẽ “dậ p ” cách nào? Quá đơn giản:
Hoặc, họ thuyết phục được đám đông đánh giá họ sai hay đúng theo kiểu “từ thiện a-ma-tơ”. Khi này 2 bên có chung định nghĩa, chung thước đo. Có thể đám đông sẽ thấy nghệ sĩ đã đúng (theo quy chuẩn này). Phương án này gần như là bất khả thi.
Hoặc, họ chấp nhận bỏ đi thước đo của cá nhân họ mà đánh giá mọi thứ theo tiêu chuẩn “chuyên nghiệp” của đám đông. Mà theo quy chuẩn này, thì nghệ sĩ đương nhiên sai. Và sai thì phải nhận sai, sai tới đâu sửa tới đó, chịu trách nhiệm tới đó, thì k h ủ n g hoảng chấm dứt.
Hoặc, họ chấp nhận chỉ hướng tới làm hài lòng fans của họ và thẳng thừng tuyên bố: tôi chẳng có minh bạch, giải trình gì hết. Ai tin tôi thì ủng hộ tiền tôi làm, không tin thì thôi. Ai thích nghĩ sao thì nghĩ. Sai tới đâu pháp luật xử tới đó, thế là xong chuyện”.
Ông Long cho rằng ở thời điểm hiện tại, các nghệ sĩ không chọn cách nào trong các cách kể trên. Họ chọn lối đi riêng, với ảo tưởng rằng khủng hoảng được giải quyết. Và đặc biệt là khi Trấn Thành còn hùng hồn tuyên bố mục tiêu của ảnh là “lấy lại danh dự cho nghệ sĩ”.
“Điều cuối cùng: không ai có tội khi tòa án chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Mà tòa có xử xong rồi thì vẫn kháng cáo được. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo mà dừng lại sớm, thì các nghệ sĩ sẽ thua đau, và thua vĩnh viễn trong cuộc c h i ế n truyền thông. Bất luận kết luận thế nào từ tòa án, nếu có một (số) phiên tòa thực sự diễn ra”.