Chồng nằm góc bếp, 20 đêm canh vợ đang tự điều trị Cô Vy trong phòng, hồi sinh nhờ tình yêu
Những ngày qua, có nhiều câu chuyện về các F0 kiên cường thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Và hôm nay, xin được chia sẻ với các mẹ thêm một trường hợp cảm động nữa, về tình cảm ấm áp giữa vợ và chồng, về giá trị hạnh phúc của một gia đình thực sự.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (59 tuổi) và chồng sống trong ngôi nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP. HCM. Các con cháu đều sinh sống và học tập ở nước ngoài nên thường ngày chỉ có ông bà chăm nhau.
Bà biết mình mắc Covid-19 hôm 5/8, khi được chồng đưa đi làm test nhanh trước khi tiêm vắc-xin. Từ ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp ở thành phố, ông bà đều ở nhà. Không hiểu sao bà vẫn bị nhiễm Covid-19.
Biết vợ nhiễm bệnh, ông Trần Công Đức (61 tuổi) lo lắm. Bởi 15 năm qua, bà Xuân bị bệnh Parkinson nên đi lại chậm chạp, khó khăn. May mắn, bà được người quen giới thiệu cho bác sĩ đang làm việc ở một bệnh viện của TP.HCM và được hướng dẫn điều trị tại nhà.
Ngôi nhà của hai ông bà thiết kế 3 phòng ngủ hướng ra bếp. Vì lo lắng không kịp tiếp cứu cho vợ lúc cần thiết nên tối tối, ông Đức ôm chăn gối ra nằm dưới bàn ăn cơm. Đầu ông quay về phía có tủ chắn để tránh luồng khí trực tiếp từ phòng vợ.
Hé cửa trông ra, bà Xuân chỉ nhìn thấy đôi chân chồng lấp ló. Cứ thế hơn 20 ngày, ông Đức trực sẵn bên ngoài rồi dặn vợ cần bất cứ thứ gì hay thấy trong người khó chịu là phải gọi ông ngay. Thậm chí, ông còn cài riêng cho bà một bài nhạc chuông để có mặt ngay khi vợ cần.
“Phòng bên kia chăn ấm đệm êm. Nhưng nói thế nào ông ấy cũng không chịu vào đó nằm mà cứ ở góc bếp”, bà Xuân xúc động nói. Suốt nhiều ngày liền, ông Đức còn thường đệm đàn ghi-ta động viên tinh thần để vợ tập thở, vượt qua Covid-19.
Về phần mình, bà Xuân biết chồng đã vất vả cả ngày nên luôn cố gắng tự xoay xở. Những đêm ngày thứ 9, thứ 10 sốt cao, bà ngồi dậy tự đo thân nhiệt rồi pha thuốc uống. Bà luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bù nước nên uống nước liên tục.
Những ngày bị sốt, cứ ăn vào bà Xuân lại chực ói ra. Nhưng bà quyết không bỏ bữa. Bà múc từng muỗng cho vào miệng rồi lại nằm xuống nuốt từ từ. Có khi mất 1-2 tiếng bà mới ăn xong được chút cháo.
Cơn đau tức ngực cũng kéo đến hành hạ bà thời gian này. Trong cơn mê man, bà nhớ đến hình ảnh các con và đứa cháu nội 18 tháng tuổi, nhớ cảnh chồng tất tả lo cơm nước…. Bà tự nhủ mình “phải thở, phải thở” để không bị đuối dần đi.
Bà cũng kể lại: “Khi tôi bị bệnh thì quá trời tin tức ba của bạn, mẹ của bạn hay chồng của bạn qua đời vì Covid-19. Bạn bè không biết tôi là F0 nên nhắn tin thông báo. Sau này, khi biết tôi đã âm thầm vượt qua Covid-19, nhiều người còn không tin nổi”.
Trải qua 20 ngày vất vả, cuối cùng bà Xuân cũng nhận được kết quả âm tính. Bà tập đi lại trong nhà và làm quen lại với công việc bếp núc. Men cầu thang bước lên sân thượng, bà thấy tràn ngập một màu xanh. Màu xanh của bầu trời, của rau, cỏ chen nhau mọc um tùm.
Cây mướp ngọt bà trồng trước khi bị bệnh đã héo queo. Những trái khổ qua chín vàng, nứt toác khiến hạt đỏ rớt đầy xuống mặt sân. Bắt tay ngay vào cắt cành, tỉa lá, dọn dẹp xung quanh, bà Xuân mỉm cười nghĩ đến cảnh khu vườn được hồi sinh, như bản thân mình đã được hồi sinh.
Có lẽ khi biết đến câu chuyện của bà Xuân và ông Đức, nhiều người sẽ thấm thía hơn câu nói “hoạn nạn mới thấu chân tình”, bởi không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể đồng cam cộng khổ, nắm tay nhau đi tới đầu bạc răng long. Có người, vì thay lòng đổi dạ mà phản bội bạn đời. Có người, vì không chịu được khó khăn gian khổ nên đứt gánh giữa đường.
Lại nói, việc trở thành F0 đã làm nhiều người sợ hãi, ngay cả những bạn trẻ cũng run như cầy sấy khi nhận về kết quả dương tính. Vậy mà bà Xuân đã bước qua nỗi sợ ấy một cách nhẹ nhàng, bằng bản lĩnh và kinh nghiệm sống, bằng tình yêu mãnh liệt của bạn đời.
Xúc động hơn tất thảy, là hình ảnh hai ông bà chăm lo cho nhau từng li từng tí, là hình ảnh một ngưởi chồng nằm góc bếp canh cho vợ suốt 20 ngày vợ mang bệnh. Mỗi một cử chỉ, mỗi lời hỏi thăm, mỗi một ánh mắt đều chất chứa sự lo lắng kèm yêu thương.
Để động viên bạn đời mỗi ngày, ông đánh đàn, nấu ăn, giặt giũ, nhắn tin hỏi han. Ông không sợ mình bị lây bệnh, chỉ sợ bạn đời không vượt qua được. Có lẽ, phụ nữ Việt ai cũng mong có được một tấm chồng như thế, chẳng cần làm việc gì đao to búa lớn, hứa hẹn đầu môi, chỉ cần biết chăm sóc cho vợ khi ốm đau, đã là điều hạnh phúc.
Tình yêu của những ông bà thế hệ xưa là vậy, họ không sến rện ngôn tình như giới trẻ bây giờ, họ cũng chẳng khoe khoang lên mạng xã hội. Nhưng họ sẵn lòng đồng cam cộng khổ vì nhau, cùng nhau bước qua mọi khó khăn thử thách. Đó mới là yếu tố quyết định giúp họ bên nhau đến bạc đầu.
Suy cho cùng, vợ chồng sống với nhau, giàu sang không quan trọng mà quý ở chỗ ốm đau, hoạn nạn không rời bước, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng một lòng ở bên, nhất quyết không vì sợ hãi mà bỏ chạy.
Câu chuyện nhỏ nhưng bài học lớn, nó khiến thế hệ trẻ phải suy ngẫm và học hỏi. Cuộc sống vợ chồng, hãy biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Rõ ràng, không có tình yêu nào là vĩnh cửu, nhưng lại có những giây phút vĩnh cửu trong tình yêu!
Nguồn: VietNamNet