Nghị lực của người đàn ông tự đỡ đẻ cho vợ, chạy xe máy vượt 1.500km đưa vợ con về quê
Ngày 8.10, vợ chồng anh Lương Văn Bách (28 tuổi) và Kha Thị Ngọc Ánh (27 tuổi, ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp, H.Tương Dương, Nghệ An) đã về đến quê nhà sau khi vượt hơn 1.500 km.
Anh Bách kể, vợ chồng anh gửi đứa con đầu lòng 6 tuổi cho bố mẹ rồi rời núi rừng vào TP.HCM làm thuê kiếm sống gần 2 năm nay. Chị Ánh, vợ anh, làm công nhân may mặc, còn anh Bách làm nghề tự do.
Dịch CV-19 ập đến, hơn một năm nay, thu nhập của anh Bách bữa có bữa không. Từ tháng 6 vừa qua, hai vợ chồng phải nghỉ việc, “sống mòn” trong phòng trọ chật chội ở Q.Bình Tân, TP.HCM.
Những đồng tiền tích cóp ít ỏi còn lại rồi cũng hết. Vợ có thai, sắp sinh con. Anh Bách dự tính đưa vợ về quê để sinh nở. Nhưng dịch CV-19 kéo dài, thành phố bị phong tỏa và cũng không có phương tiện để về nên hai vợ chồng đành phải ở lại.
Không có tiền và không thể ra ngoài mua quần áo, bỉm sữa cho con, anh Bách lên mạng xã hội đăng thông tin xin hỗ trợ và được một số người hảo tâm mua tặng bỉm, quần áo gửi đến.
3 giờ sáng 13.9, chị Ánh đau bụng. Đã sinh nở một lần nên người phụ nữ này biết mình đã chuyển dạ. Hai vợ chồng chỉ còn lại 100.000 đồng nên anh Bách không thể đưa vợ đến bệnh viện để sinh con.
Anh Bách ngồi bên vợ, động viên để vợ tự vượt cạn. Khu nhà trọ có gần 30 phòng trọ nhưng rất nhiều phòng đang có F0 nên anh Bách không dám gõ cửa nhờ ai. “Lúc đó, em cũng rất lo nhưng không còn cách nào khác, phải động viên vợ cố gắng”, anh Bách kể.
Hơn 6 giờ sáng cùng ngày, chị Ánh vỡ ối, sinh con. Anh Bách đỡ đẻ cho vợ theo cách của người mẹ ở quê bày cho. May mắn, đứa con trai đã chào đời khỏe mạnh trong căn phòng trọ. “Khi vợ đẻ xong, mọi việc ổn rồi, em mới thở phào vì lo lắm, cứ sợ có chuyện gì thì không biết xử lý ra sao”, anh Bách nói.
Những người ở cùng khu trọ đã hỗ trợ mỗi người một vài trăm ngàn. Anh Bách có tiền mua sữa cho con và thức ăn để bồi dưỡng cho vợ những ngày sau sinh.
3 giờ chiều 4.10, vợ chồng anh Bách cùng đứa con mới sinh 21 ngày tuổi được bọc trong chiếc khăn và lỉnh kỉnh đồ đạc rời thành phố về quê. Hành trình về quê hơn 1.500 km, họ đi bằng chiếc xe máy cũ.
Không biết đường đi, anh Bách chạy đến điểm chốt kiểm soát dịch thì gặp mấy xe máy đang chạy ra các tỉnh phía bắc nên đi theo. Nhưng anh không dám chạy nhanh vì sợ bất trắc khi đứa con còn quá nhỏ nên bị tụt lại sau. Đến ngã ba, ngã tư, anh Bách phải dừng lại hỏi đường, rồi gặp những người hồi hương khác và cứ thế, chạy theo họ.
Đứa bé còn quá nhỏ nên thi thoảng quấy khóc vì đói. Anh Bách phải dừng xe để vợ cho con bú. Sữa mẹ không đủ thì cho con uống sữa tươi được người dân cho khi đi qua các điểm chốt. Đêm, gặp chỗ nào phù hợp thì dừng xe, trải áo mưa xuống, ngủ. Đồ ăn được các điểm chốt trên đường hỗ trợ nên có gì ăn nấy, cũng qua ngày.
Đến Gia Lai thì trời bắt đầu mưa to. Đứa bé bị ướt lạnh, khóc. Anh Bách phải chạy rất chậm. Hai vợ chồng phải nhiều lần dừng xe vì thương con.
Khi chạy đến Kon Tum, đang đi trên QL14B, anh Bách quá mệt và mất ngủ nên vừa chạy xe vừa ngủ gật. Xe máy bị ngã. “Rất may, em kịp che chắn được nên vợ không bị ngã, em bị xây xát nhẹ và suýt nữa thì gã.y chân”, anh Bách kể.
Về đến thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), anh Bách kiệt sức, không chạy được nữa. May mắn, vợ chồng anh gặp được nhóm người thiện nguyện tại đây hỗ trợ bằng xe ô tô, anh Bách gửi xe máy lại rồi cùng vợ con lên xe ô tô về Nghệ An, khi quãng đường về nhà còn hơn 500 km.
Tại điểm đón ở cầu Bến Thủy (TP.Vinh, Nghệ An), khi biết hoàn cảnh vợ chồng anh, một người hảo tâm đã hỗ trợ vợ chồng anh 3 triệu đồng. Vợ chồng anh được xe ô tô của tỉnh Nghệ An chở về điểm cách ly tại H.Tương Dương.
“Vợ chồng em đã được test nhanh và âm tính với dịch CV-19. Em rất mừng vì đã về quê an toàn. Em rất biết ơn tấm lòng tốt của những người đã giúp vợ chồng em, nếu không, sẽ còn lâu vợ chồng em mới về đến nhà”, anh Bách chia sẻ.