4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá – Những nốt nhạc cuối của “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt
Cô y tá quay sang hỏi tôi: Anh ơi, ông cụ chắc phải là thượng tướng, đại tướng đấy nhỉ? Tôi nhìn cô một lát rồi trả lời: “Không em ạ. Ông ấy cả đời chỉ đeo quân hàm trung tá. Nhưng ông ấy là một huyền thoại”.
Vậy là trái tim yêu đời tha thiết của Hùm xám đường số 4 Đặng Văn Việt đã ngừng đập ở tuổi 102. Có lẽ hậu thế sẽ còn nhắc lại rất lâu về số phận đầy thăng trầm của một trong những trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tôi là một người trẻ may mắn có cơ duyên được “làm bạn” với ông trong 10 năm cuối đời. Thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận phần nào về “nhân trí dũng” của “người bạn già” Đặng Văn Việt.
4 VỊ TƯỚNG CÚI ĐẦU BÊN GIƯỜNG BỆNH MỘT VỊ TRUNG TÁ
Hà Nội một ngày tháng 11 năm 2018, tiết trời trở lạnh, khu điều trị tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô nằm trên tầng 8 im ắng đến đáng sợ. Từ cửa thang máy đi ra bốn vị tướng quân đội, dẫn đầu là một người đàn ông rất lớn tuổi trong bộ quân phục bạc màu, đôi cầu vai đeo quân hàm trung tướng.
Vừa bước đi, vị trung tướng già dẫn đoàn vừa hỏi cô y tá:
– Cháu cho hỏi ông Việt lão thành cách mạng nằm ở phòng nào ?
– Dạ ông ấy nằm ở phòng 810 ạ, ông là thế nào với ông ấy ạ ?
– Ông là cấp dưới của ông ấy!
Tác giả bài viết cùng người sĩ quan được mệnh danh là “Hùm xám đường số 4”. Chuyện trò với ông Đặng Văn Việt, ai cũng được truyền thêm lửa nhiệt huyết rất nhiều. Ảnh: Hoàng Trường Giang
Người đàn ông lớn tuổi trả lời nhanh gọn dứt khoát. Cô y tá tròn mắt, ngỡ ngàng ngước lên nhìn thật kỹ vị tướng đã chạm 94 tuổi đang thoăn thoắt đi lại phía cửa phòng 810.
… Bên chiếc giường phủ tấm ga trắng toát, một ông lão gầy guộc đang nằm lim dim ngủ.
Vị trung tướng già chậm rãi đi tới, đôi tay trận mạc to bè gân guốc sẫm đồi mồi khẽ đưa ra nắm lấy tay người đang nằm rồi cất giọng gọi:
– Anh Việt ơi, em là lính của anh đến thăm anh đây.
Ông lão suýt soát 100 tuổi đang nằm trên giường bệnh khẽ trở mình, mở đôi mắt già nua mờ đục ra nhìn hồi lâu rồi nói:
– Ai đấy ? Ai đấy ?
Một vị trung tướng khác trẻ hơn đứng bên cạnh trung tướng già vội cắt lời:
– Cháu Nguyễn Mạnh Đẩu ở Lục quân đây ạ. Đây là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Bên này là Thiếu tướng Tạ Quang Chính – con trai Bộ trưởng Tạ Quang Bửu; Bên này nữa là Thiếu tướng Hồ Thủy – con gái anh Hồ Sỹ Ngận.
Trên giường bệnh, ông lão vừa dứt cơn ho, đưa tay ra nắm chặt tay vị trung tướng rồi khẽ mỉm cười. Ông không nói thành lời nhưng đôi môi run run, những tiếng thở cứ dồn dập thành đợt…
Vị trung tướng già tiếp tục nói:
– Anh Đặng Văn Việt ơi, hổ xám đường số 4 ơi, em Quốc Thước, lính của anh đây. Ngày nào anh làm trung đoàn trưởng, em mới còn là trung đội trưởng, thế mà giờ đã trăm tuổi cả rồi anh ơi…
Nói đoạn, ông đưa gói quà nhỏ đã chuẩn bị kỹ từ nhà cho người đang nằm trên giường bệnh. Căn phòng đầy chật nghĩa tình, những bệnh nhân già khác đang nằm đều ngẩng lên dõi theo câu chuyện, mấy cô y tá và anh bác sĩ trẻ ngơ ngẩn nghe…
Bốn vị tướng đứng vây quanh giường bệnh. Ông lão nằm trên giường dứt tiếng thở khò khè định nói gì đó mà không được. Ánh mắt ông tươi vui hơn hẳn ngày thường…
Vị trung tướng già cười rạng rỡ, nắm chặt tay người thủ trưởng rồi nói:
– Anh mau khỏe, hôm nào anh về bọn em qua thăm, uống rượu, kể chuyện Đường số 4, chuyện kéo cờ ở Kỳ đài Huế… Rồi anh còn đi đánh tenis, đi xe máy, khiêu vũ nữa chứ…
Ông lão nằm trên giường bệnh gật đầu nhẹ, khẽ mỉm cười.
Cô y tá trẻ quay sang hỏi tôi:
– Anh ơi, ông cụ chắc phải là thượng tướng, đại tướng đấy nhỉ?
Tôi nhìn cô một lát rồi trả lời:
– Không em ạ. Ông ấy cả đời chỉ đeo quân hàm trung tá. Nhưng ông ấy là một huyền thoại!
Cô y tá ngơ ngác hồi lâu rồi bất chợt đưa tay lên lau vội giọt nước mắt vừa lăn xuống má…
Nhiều người không quen nhưng trân quý ông nên tìm đến bệnh viện để thăm. Ảnh: Hoàng Trường Giang
DUYÊN KỲ NGỘ VỚI “ĐỆ TỨ QUỐC LỘ ĐẠI VƯƠNG”
Mùa hè năm 2012, một lần tôi sang nhà hàng xóm là Đại tá Phạm Ngọc Diễn 85 tuổi, cựu chiến binh Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316-Quân khu 2) chơi. Ông Diễn bảo:
“Mai cháu đi cùng ông đến dự cuộc gặp mặt truyền thống của trung đoàn ở Nhà văn hóa Cầu Giấy nhé. Sẽ có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan hiển hách của quân đội ở đấy. Hơn cả là cháu sẽ gặp một người vô cùng đặc biệt”.
Tôi gặng hỏi ông Diễn rằng người đặc biệt đó là ai nhưng ông không nói mà chỉ cười bảo: “Mai cháu cứ đến đó rồi sẽ biết, không hối hận đâu”.
Sáng hôm sau, trời mưa tầm tã, tôi đến hơi muộn khi hội trường nhà văn hóa đã rất đông các cựu chiến binh đang cười nói rôm rả. Bất chợt tôi nhìn thấy Anh hùng LLVTND La Văn Cầu (người mà từ thuở học trò tôi đã biết qua sách giáo khoa). Anh hùng La Văn Cầu đang đứng nói chuyện với một ông già mặc áo sơ mi màu xanh.
Kế đó là rất nhiều sĩ quan cấp đại tá và cả Trung tướng Nguyễn Hải Bằng (nguyên Quyền giám đốc Học viện Quốc phòng) cũng từ xa đi tới chào, bắt tay ông cụ mặc thường phục.
Tôi liền vội tiến đến gần Anh hùng La Văn Cầu rồi thì thầm: “Ông ơi, cho cháu hỏi ông cụ mặc áo sơ mi màu xanh trứng sáo kia là ai mà mọi người đều đến chào hỏi, bắt tay vậy ạ?”
Anh hùng La Văn Cầu quay sang nhìn tôi thoáng chút ngạc nhiên rồi bật cười nói: “Cậu không biết à, ông ấy là thủ trưởng của tất cả bọn mình ở đây đấy. Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 – Hùm xám đường số 4 Đặng Văn Việt”.
Trong buổi gặp mặt hôm đó, dù trong hội trường có rất nhiều đại tá và cả sĩ quan cấp tướng nhưng Trung tá Đặng Văn Việt luôn luôn được giới thiệu đầu tiên. Và rồi sau khi ông Việt lên phát biểu thì bên dưới những tràng pháo tay liên hồi giòn giã cứ kéo dài mãi như không dứt.
Trung đoàn trưởng gắn huy hiệu lên ngực áo cho cựu chiến binh Trung đoàn 174. Ảnh: Hoàng Trường Giang.
Người cựu trung đoàn trưởng đầu tiên ấy bước lên bục, nheo đôi mắt đã gần một thế kỷ nhìn cuộc đời và nói rằng:
“Tôi tự hào vì E174 và E209 là 2 trung đoàn chủ lực, độc lập đầu tiên trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là đơn vị có mặt khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam và chiến đấu tại Lào, Campuchia và một thời gian trên đất Trung Quốc.
E174 đã tham gia 7 chiến dịch chống Pháp, 7 chiến dịch trong thời kỳ chống Mỹ, 5 chiến dịch tại Lào và làm nhiệm vụ quốc tế. Đồng thời là đơn vị chủ công trong 5 trận then chốt quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đó là trận Đông Khê 1-2 của chiến dịch biên giới 1950, là trận công kiên lớn nhất, tiêu diệt phân khu lớn, góp phần quyết định giải phóng Việt Bắc;
Trận Mộc Châu, tiêu diệt vị trí kiên cố bậc nhất vùng Tây Bắc, mở đường vào Tây Bắc và sang Lào;
Trận đồi A1 với 38 ngày đêm giằng co từng thước đất để tiêu diệt cứ điểm kiên cố nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ;
Trận Buôn Mê Thuột tiêu diệt Sư đoàn 23 địch, góp phần giải phóng Tây Nguyên mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh;
Trận bảo vệ cánh đồng Chum, tiêu diệt quân Mèo-Vàng Pao, bảo vệ chính quyền cách mạng Lào hay một số trận khác như trận đèo Bông Lau, trận Lariet… 65 năm đã trôi qua, truyền thống của E174 được xây dựng dựa trên sự hy sinh xương máu của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, qua nhiều thế hệ, các chiến trường, mặt trận khác nhau.
Truyền thống ấy như một chiếc thang vô hình không sờ thấy được, vô giá và vô hạn nhưng khi nó đã hình thành thì sẽ trở thành vô địch…”.
Ngồi dưới hàng ghế, Đại tá Phạm Ngọc Diễn nói với tôi:
“Cháu biết không, sau này có nhiều cán bộ, chiến sĩ của E174 đã trưởng thành ở những vị trí cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội như Đại tướng Chu Huy Mân, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Thượng tướng Nguyễn Hữu An (Giám đốc Học viện Quốc phòng), Trung tướng Nguyễn Hải Bằng (Quyền giám đốc Học viện Quốc phòng); Trung tướng Trịnh Trân, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Trung tướng Đào Trọng Lịch, Tổng tham mưu trưởng…
Tuy nhiên Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt (chuyển khỏi trung đoàn năm 1953 và chuyển ngành năm 1960 khi đeo quân hàm Trung tá) vẫn luôn là một người anh cả, người thủ trưởng, người đồng chí, đồng đội mẫu mực, đáng kính của tất cả cán bộ, chiến sĩ E174.
Hôm nay, ngày hội quân của trung đoàn, dù là tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao hay những anh hùng của E174 dù trải qua vị trí nào cũng cúi mình để “người anh cả” của Trung đoàn gắn hoa, cài huy hiệu mừng thọ lên ngực…”
cTrung đoàn trưởng đầu tiên trao kỷ niệm chương cho cựu chiến binh Trung đoàn 174 năm 2012. Ảnh: Hoàng Trường Giang.
GIỮ MÃI NIỀM YÊU THA THIẾT CUỘC ĐỜI
Lần đầu tiên tôi tìm đến nhà ông Đặng Văn Việt là một ngày tháng 8 năm 2012 khi ông đã 92 tuổi. Từ ngõ 7 Hòa Bình nằm trên phố Minh Khai, tôi rẽ vào khu tập thể Bộ Xây dựng rồi lên tầng 4 đến đúng căn phòng chưa đầy 35m2 (được ngăn đôi cho ông và vợ chồng người con trai) của một huyền thoại sống.
Ông kéo tay tôi vào nhà, pha cà phê, rút một bao thuốc Thăng Long ra mời rồi bảo: “Cậu ngồi xuống đây, đến chơi với tôi là phải nói chuyện lâu đấy. Tôi chả có gì nhiều hơn thời gian cả”.
Và thế là từ ngày hôm đó, tôi trở thành “bạn vong niên” của một con người vô cùng đặc biệt.
“Hùm xám” Đặng Văn Việt sinh năm 1920, cuộc đời ông trọn một thế kỷ như bản hùng ca đầy những nốt thăng trầm, lúc cao trào hùng tráng, lúc bi thương ai oán… Bản thân ông Đặng Văn Việt thường nhiều lần thừa nhận với mọi người rằng:
“Tôi có một cuộc đời kỳ lạ, sôi nổi, lên bổng xuống trầm, phong ba bão táp đến cực độ, vào sống ra chết, bom rơi đạn nổ, bị thương 5 lần, đánh trận lớn trận nhỏ… vậy mà không chết, không tàn phế, thậm chí vẫn sung sức và dai dẳng đến bây giờ.
Thời trẻ tôi là con quan (cha ông là Tham tri Triều đình Đặng Văn Hướng), là thanh niên trí thức tiêu biểu trong số 800 sinh viên của Trường Cao đẳng Đông Dương giai đoạn 45, là một trong 43 học viên ưu tú đầu tien của Trường Thanh niên tiền tuyến Huế do luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu thành lập.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi là người cùng với anh Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha) đã treo cờ Việt Minh lên kỳ đài trước cửa Ngọ Môn của Bảo Đại… Năm 1949, ở tuổi 29, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 với hơn 5.000 quân oai hùng khắp chốn Cao-Bắc-Lạng…
Sau năm 1953 tôi bị điều chuyển công tác, rồi chuyển ngành năm 1960 với quân hàm trung tá. Từ đó đến giờ cuộc sống của tôi và gia đình rất nhiều lận đận, vất vả nhưng tôi luôn nghĩ mình đi làm cách mạng là mình đã chọn.
Mình mất nhiều, buồn không ít nhưng cũng đã vui, đã được. Mình vui vì được sống tới hôm nay mạnh khỏe, chứng kiến đất nước đổi thay, nhân dân ngày càng cơm no áo ấm…
Tôi đến giờ không danh hiệu, không chức tước, không nhà cao cửa rộng, không tài sản giá trị gì cả. Nhưng tôi được sống vui, sống khỏe và hơn cả là như lời Bác Hồ dặn: Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Trong 10 năm “làm bạn” với ông Đặng Văn Việt, mỗi lần được gặp, trò chuyện cùng là tôi lại thấy dường như ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu đời yêu người của người đàn ông U100 này dường như vô tận.
Phải chăng để đạt được điều đó chính là nhờ phần không nhỏ từ cái tâm trong sáng, nghị lực vô biên cùng với suy nghĩ mình chẳng bao giờ già của ông. Hàng chục năm sống trong căn phòng tập thể ẩm thấp chưa đầy 15m2 trên tầng 4 khu tập thể cũ nhưng hầu ông không bận tâm hay đòi hỏi chế độ, chính sách bao giờ.
Cho tới một lần tôi đến thăm khi ông đã 98 tuổi, tôi thấy ông đang đứng vịn lan can tầng 3 thở dốc, mồ hôi mướt mải trên trán, đầu gối như chực khuỵu xuống. Bất chợt tôi thấy nhói lòng, “Hùm xám” cũng phải mệt thôi, thanh niên như tôi leo thang bộ còn thở phì phò nói gì người đã sắp chạm ngưỡng thế kỷ như ông…
Trong căn phòng nhỏ 15m2 trên tầng 4 khu tập thể, nhiều trang sách giá trị đã ra đời. Ảnh: Hoàng Trường Giang.
Ngay lúc đó, bà cụ hàng xóm chạy ra đỡ, vừa nâng tay vừa hỏi về lá đơn ông viết đã sửa xong chưa ? Tôi mạn phép hỏi thì ông nói đang sửa lá thư gửi cơ quan chức năng với mong mỏi được tạo điều kiện cấp đổi cho một căn phòng khác ở tầng 1.
Ông thẳng thắn với tôi là đã sống cả cuộc đời như vậy nên cũng không có nhu cầu nhà cao cửa rộng gì. Điều duy nhất ông muốn đó là được ở dưới thấp để không phải mỗi ngày 2-3 lượt leo lên xuống 4 tầng nhà nữa. Sắp 100 tuổi rồi chứ có phải ít đâu… Tiếc là điều đó đã không bao giờ thành hiện thực.
Khi ông Đặng Văn Việt sang tuổi 99 thì các con thuê một căn chung cư có thang máy ở gần nhà cũ để ở. Vài lần tôi và một số người bạn làm ngân hàng, doanh nghiệp đã ngỏ ý sẽ huy động quyên góp, hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình có thể thêm vào mua một căn chung cư khác nhưng ông dường như không để tâm.
“Người bạn già” của tôi, ông Đặng Văn Việt khí khái đến tận khi gần đất xa trời. Mỗi lần khách khứa, bạn bè đề nghị xem cần giúp gì không thì hầu như ông chỉ nói về việc muốn có kinh phí in sách.
Ngay cả lúc nằm trên giường bệnh, ông cũng bày tỏ nguyện vọng được giữ lại tri thức, tình cảm của mình trong từng trang sách. Và rồi ông nói là làm thật, trong đám tang ông cách đây mấy ngày, những người đến viếng ra về đều được tặng 1 cuốn sách.
Cuốn sách “Việt Nam bản hùng ca giữ nước” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành được in xong chỉ vài ngày trước khi Hùm xám đường số 4 nói lời chào dương gian.
Còn tôi, tôi tin rằng, ở một nơi cao xanh nào đó, “người lính già” Đặng Văn Việt có lẽ đang mỉm cười vì ông đã sống một cuộc đời tuyệt đẹp. Chắc chắn những người đang sống sẽ còn nhớ và nhắc về ông với nhiều niềm tin yêu, cảm phục. Hôm nay và cả mai sau.
Những người đến viếng đám tang Hùm xám Đặng Văn Việt đều được tặng sách. Ảnh: Hoàng Trường Giang.
https://toquoc.vn/4-vi-tuong-cui-dau-ben-giuong-mot-vi-trung-ta-nhung-not-nhac-cuoi-cua-hum-xam-duong-so-4-dang-van-viet-8202129910422540.htm