CUỘC SỐNG

Thầy cô không thể lấy lí do áp lực, căng thẳng để mắng nhiếc học trò

Quá trình giảng dạy đôi khi gặp một số sự việc không như ý muốn. Quan trọng là cách giảng viên, giáo viên phát huy năng lực sư phạm để giải quyết vấn đề.

Những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện một số vụ việc giảng viên đại học sử dụng ngôn từ xúc phạm sinh viên khiến dân tình xôn xao, đặt ra câu hỏi rằng: Liệu các thầy cô có quyền mắng nhiếc học trò?

Nữ giáo viên mắng nhiếc học sinh tại lớp học Tiếng Anh vào năm 2018. (Ảnh: Vietnamnet)

Ngày 17/9 vừa qua, nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cuộc hội thoại giữa giảng viên cùng nam sinh trong tiết học trực tuyến. Theo đó, cậu học trò cho rằng tiếng mưa ở nhà quá to, làm át tiếng bài giảng và mong thầy có thể nhắc lại kiến thức bài học. Song, vị giảng viên này lại sử dụng những câu từ không đúng chuẩn mực, thậm chí đuổi sinh viên ra khỏi lớp khiến ai nấy ngỡ ngàng.

Hay gần đây nhất, vào ngày 20/9, một đoạn hội thoại khác cũng cho thấy nam giảng viên có lời lẽ xúc phạm học trò, thậm chí gọi đối phương là “óc trâu” với lí do cậu bạn không hoàn thành được bài tập. Mặc cho nam sinh liên tục trả lời “Dạ, em sẽ chỉnh lại”, người thầy này vẫn quát mắng không ngừng khiến nhiều người theo dõi không khỏi giật mình.

Cư dân mạng sau khi tìm hiểu 2 sự việc trên đã để lại nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người nhận định, với tư cách của một người làm giáo dục, việc sử dụng câu từ xúc phạm học trò là điều không được phép. Trong khi số khác cho hay, có lẽ giảng viên gặp áp lực nào đó khiến bản thân khó kiềm chế nóng giận, trong lúc mất kiểm soát đã có lời lẽ không hay.

Khi dạy trực tuyến, giáo viên chỉ có thể giao tiếp với học trò từ xa. (Ảnh: Công An Nhân Dân)

Cũng qua đây, không ít người tỏ ra trăn trở về việc các thầy cô có quyền nổi giận và mắng nhiếc học sinh, sinh viên hay không. Được biết, kể từ khi nhiều địa phương triển khai giảng dạy trực tuyến, nhiều tình huống “dở khóc dở cười” đã xuất hiện trong lớp học, đòi hỏi họ phải có kĩ năng và bản lĩnh sư phạm để xử lí.

Những học trò có ý thức tốt thường không khiến thầy cô bận tâm nhiều. Thế nhưng, với các trường hợp học sinh cá biệt, thiếu ý thức rèn luyện, đây là bài toán khó với giáo viên do đôi bên chỉ giao tiếp với nhau qua màn hình máy tính. Nhất là khi việc giảng dạy online mang đến một số hạn chế nhất định, khiến việc truyền đạt kiến thức đôi khi không được như ý muốn.

Đáng chú ý, những sự việc như học trò không chịu bật camera (đến từ nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan), bật mic khiến các bạn trong lớp khó chịu, màn hình gặp trục trặc giữa lúc phát biểu, đường truyền internet kém… tuy nhỏ, nhưng nếu diễn ra nhiều lần, nó có thể hình thành sự ức chế cho người đứng lớp.

Nam sinh tham gia lớp học trực tuyến. (Ảnh: Khoa học & Phát triển)

Tuy nhiên, để giữ tư cách đạo đức của một nhà giáo, việc kiềm chế cảm xúc và bình tĩnh giải quyết sự việc là điều phải đặt lên hàng đầu. Trong thời điểm giảng dạy online, thay vì khắt khe, cứng nhắc trong lúc chỉ bảo học trò, mỗi người nên dành sự động viên, cổ vũ tinh thần cho các em. Đồng thời, nghĩ ra các quy định riêng, yêu cầu các em phải tuân theo để đảm bảo trật tự lớp học.

Chia sẻ với Thanh Niên, TS. Nguyễn Hồng Phan (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã có một số nhận định về vấn đề này. TS. Phan cho biết, các thầy cô đã được đào tạo kĩ năng xử lí tình huống trong nghiệp vụ sư phạm, do đó không thể lấy lí do căng thẳng hay áp lực để xúc phạm người học.

Cá nhân ông cho rằng, việc giảng viên nóng giận có thể đến từ việc năng lực sư phạm còn kém; hoặc do họ cứng nhắc và kì vọng vào việc học trò phải đáp ứng yêu cầu nhưng chưa ý thức được rằng, điều kiện học trực tuyến còn tồn tại một số bất cập. Cũng theo ông, để khắc phục điều này, người thầy vừa phải nâng cao bản lĩnh sư phạm, vừa giảm sự cầu toàn để đôi bên không gặp nhiều áp lực.

Suy cho cùng, thầy cô có thể nghiêm khắc để rèn luyện học sinh, sinh viên. Song, mọi việc đều nên có giới hạn, không nên vì một phút nóng giận mà khiến các học trò tổn thương.

Nguồn: yan.vn/thay-co-khong-the-lay-li-do-ap-luc-cang-thang-de-mang-nhiec-hoc-tro-277289.html

 

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button