GIẢI TRÍ

Duy Mạnh: ‘Nghệ sĩ kêu gọi làm từ thiện bằng tâm, nhưng tâm lại dựa trên tiền của người khác’

‘Giới văn nghệ sĩ làm những vở kịch, tấu hài nói lên mặt trái của xã hội, nhưng rất ít người đụng đến việc ăn chặn tiền từ thiện dù họ biết rất rõ’ – Duy Mạnh nói.

Trong lúc showbiz Việt nóng ran vấn đề quyên góp từ thiện, ca sĩ Duy Mạnh mới đây đã cho ra bản rap Tôi không sao kê đâu. Đề cập đến chủ đề nhiều người quan tâm nên sản phẩn nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội và nhận về nhiều ý kiến từ netizen.

Trong cuộc trò chuyện với Tiin.vn, ca sĩ Duy Mạnh đã chia sẻ về cảm hứng cho ‘đứa con tinh thần’ mới nhất của mình và những quan điểm đáng chú ý về việc nghệ sĩ làm từ thiện.

Nghệ sĩ dễ dàng lên án các vấn đề xã hội nhưng lại né chuyện ‘ăn chặn từ thiện’

Anh vừa tung demo ca khúc tự sáng tác Tôi không sao kê đâu và được rất nhiều người quan tâm vì đụng đến vấn đề đang nóng. Anh cảm thấy thế nào khi nhiều cư dân mạng cho rằng ‘Ca sĩ Duy Mạnh bắt trend!’?

Vấn đề từ thiện tôi hiểu rất rõ vì tôi sống trong giới showbiz này đã lâu, đi hát chung với nhiều nghệ sĩ và có tham gia một số chương trình thiện nguyện.

Cách đây khoảng 20 chục năm, hồi đó nghệ sĩ cũng làm từ thiện nhưng theo kiểu, mấy người rủ nhau kết hợp với một đơn vị truyền thông, mua quà đến tặng cho người nghèo. Sau đó có chụp mấy tấm ảnh, cũng có một phần để đánh bóng hình ảnh, cái đó là có.

Sau này có những bầu show hay tổ chức các đêm diễn từ thiện. Ca sĩ thấy ‘mác’ từ thiện thì sẽ không lấy cát-xê, chương trình lại thu hút được nhiều khán giả bỏ tiền ra mua vé.

Sau chương trình, bầu show trích một phần nhỏ làm từ thiện, còn mục đích chính vẫn là kinh doanh.

Từ ngày có mạng xã hội đặc biệt là facebook, tôi thấy nghệ sĩ dễ hô hào kêu gọi quyên góp, vì đánh được vào cảm xúc của khán giả khi đăng tải hình ảnh, câu chuyện về các hoàn cảnh khó khăn.

Tôi nhận ra việc làm từ thiện gửi vào tài khoản cá nhân có vấn đề nên đã lên tiếng từ khoảng 2 đến 3 năm trước và bị ‘ném đá’ rất nhiều. Họ nói tôi ghen tị. Thực ra mỗi người có một cuộc sống riêng, tôi không việc gì phải đi ghen tị với ai cả.

Tôi chỉ thấy rằng, nghệ sĩ dễ dàng nói đến, thậm chí chê trách, lên án chính quyền hay các vấn đề trong xã hội là không minh bạch, nhưng đến khi họ hô hào quyên góp thì lại đưa số tài khoản cá nhân và không rõ ràng.

Tôi cũng thấy giới văn nghệ sĩ làm những vở kịch, tấu hài nói lên mặt trái của xã hội, nhưng rất ít người đụng đến việc ăn chặn tiền từ thiện dù họ biết rất rõ.

Gần đây nóng vấn đề này, bạn bè tôi nói ‘viết bài hát mới về từ thiện đi’ thì tôi nghĩ cũng đơn giản là làm một bài châm biếm thực tế xã hội thôi.

Cũng đang rảnh vì dịch dã, tôi ngồi nghĩ và muốn làm rap để truyền tải được cái chất dí dỏm, hài hước. Vào đúng thời điểm nên chắc nhiều người nghe thôi. Tôi thấy bình thường vì đã sáng tác rất nhiều bài đề tài xã hội rồi.

Trong số bạn bè thúc giục anh viết ca khúc này có ai là ‘sao số’ không?

Không! Tôi ít chơi với giới văn nghệ sĩ, hơn nữa, xưa giờ họ cũng đâu có dám nói đến vấn đề ăn chặn tiền từ thiện.

Tôi nói thật, không chỉ riêng từ thiện mà nói chung các vấn đề trong giới, ít nghệ sĩ dám lên tiếng vì họ ngại, sợ đụng chạm thì sau này người ta không hợp tác với mình nữa.

Còn bạn bè tôi đa số không ở trong showbiz, trước đó chính họ có gửi từ một vài triệu cho đến số tiền lớn qua nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia. Khi ngồi nhậu cùng, tôi còn nói ‘thế nào cũng mất tiền ngu’ và tranh cãi nhau nữa. Thế nên bài Tôi không sao kê đâu cũng để trêu chọc bạn bè mình.

Đúng ra, làm từ thiện không nên đưa cho cá nhân, phải lập ra một quỹ để có các bên kiểm soát, quản lý chéo lẫn nhau, hoặc đưa vào Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ. Còn những người sống theo cảm xúc, yêu thương và tin vào nghệ sĩ mà trao gửi tiền từ thiện qua tài khoản cá nhân thì rất khó.

Tiền đến túi nhiều như thế làm sao mà kìm được lòng tham của con người. Chưa nói đến chuyện, nếu nghệ sĩ rủi ro thì số tiền đó thuộc về người thân trong gia đình họ chứ không ai đụng vào được. Nếu ở trong một quỹ, một tổ chức thì lại khác, không làm năm nay thì sang năm, tiền vẫn ở đó chứ không đi đâu cả.

Anh mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành ca khúc Tôi không sao kê đâu?

Tôi chỉ ngồi vài tiếng là sáng tác xong, sau đó gửi cho cậu em sản xuất.

Sau khi ca khúc được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, có antifan nào vào inbox cho anh để bênh vực các ngôi sao mà họ thần tượng không?

Tôi không quan tâm đâu. Vì facebook của tôi, những thành phần vào gây chuyện xưa nay rất nhiều, tôi quen rồi. Tôi hay nói thẳng, nói thật nên đôi khi bị ghét.

Tuy nhiên cũng có nhiều điều tôi nói mà tới 2, 3 năm sau khán giả phải thừa nhận là đúng và ‘quay xe’ không ghét tôi nữa.

Nghệ sĩ kêu gọi làm từ thiện bằng tâm, nhưng tâm lại dựa trên tiền của người khác

Phải chăng như anh đã từng gửi tiền cho nghệ sĩ kêu gọi quyên góp và nhận về một bài học nào đó?

Tôi chưa có đủ điều kiện để làm từ thiện, đây là tôi nói rất thật lòng.

Gửi quà cáp thì có. Trước đây vợ tôi vẫn hay làm điều đó với những người khó khăn, còn tôi thì không.

Làm từ thiện là rất tốt nhưng phải hợp lý. Giúp người thì giúp ai cũng là phước, tôi chọn chia sẻ với người thân của tôi trước. Những người cạnh mình còn khổ mà ví dụ tôi mang số tiền lớn đi giúp người ngoài thì họ nghĩ gì về tôi?

Nếu có điều kiện thì tôi cũng muốn giúp rất nhiều người. Còn để hô hào thì tôi không làm.

Tôi cũng thấy không hợp lý ở chỗ, nghệ sĩ kêu gọi mọi người đóng góp mà cứ nói làm từ thiện bằng cái tâm. Như vậy tâm của mình lại dựa trên tiền của người khác, tâm của mình lúc lên lúc xuống tùy vào cảm xúc của người gửi tiền. Lúc ít tiền thì nhiều tâm mà lúc tiền nhiều thì tâm ít đi. Nói đúng ra cầm tiền của người khác phải có trách nhiệm rất lớn.

Từ đâu mà anh lại có cái nhìn tiêu cực về hoạt động này của nghệ sĩ?

Những trải nghiệm trong giới khi làm nghề hát khiến tôi nhìn ra.

Tôi chỉ nói đơn giản, đến nghệ sĩ với nghệ sĩ còn cãi nhau, cạnh tranh nhau chỉ vì cái poster hình lớn hình bé. Sân si đầy rẫy như thế mà khi nhận tiền từ thiện lại đem đi cho hết, không giữ lại đồng nào thì kể cũng lạ.

Tôi ví dụ, bây giờ một nghệ sĩ đứng lên và kêu gọi những đồng nghiệp khác rằng ‘anh chị em ơi, kỳ này tôi làm từ thiện đấy, chuyển tiền vào tài khoản tôi đi, tôi sẽ làm đến nơi đến chốn’, thì thử hỏi những nghệ sĩ khác có tin vào người nghệ sĩ đang hô hào đó không? Hay bản thân nghệ sĩ khác lại tự đặt ra câu hỏi, sao không gửi vào tài khoản tôi mà lại gửi vào tài khoản ông?

Chỉ có một bè, nhóm chơi chung thì ủng hộ nhau thôi, chứ không có chuyện đông đảo nghệ sĩ đưa tiền cho một nghệ sĩ khác làm từ thiện giúp. Nghệ sĩ với nghệ sĩ còn không tin nhau mà.

Nếu bị tẩy chay, cô lập, tôi cũng không để ý

Vậy ca sỹ Duy Mạnh thuộc hội nhóm nào?

Tôi một mình một nhóm. Chỉ có ngày xưa, lúc còn trẻ tôi với anh Ngọc Sơn đều ham chơi nên hay đi với nhau.

Trong âm nhạc tôi cũng… một mình. Tôi làm nhạc mục đích để bản thân hát, nghệ sĩ nào cần bài thì tôi giúp. Thậm chí nhiều người rất ghét Duy Mạnh nhưng vẫn nhắn tin xin nhạc, tôi vẫn đưa, ủng hộ nhiệt tình, thậm chí không lấy tiền.

Vì sao anh lại lựa chọn đi một con đường riêng, đứng bên lề giới nghệ sĩ như vậy?

Tôi viết nhạc giống như đang chơi nhạc. Âm nhạc là cảm xúc, tôi rất thật và nhạc cũng giống như con người tôi vậy, lúc thì đùa giỡn, bay bổng, lãng mạn, lúc thì châm biếm, đủ hết chứ không phải chỉ có tình yêu sầu lụy. Trong cuộc sống tôi đã trải nghiệm rất nhiều, thay vì viết nhật ký thì tôi viết nhạc.

Thường xuyên phát ngôn đụng chạm, anh có bao giờ sợ mình bị cô lập, tẩy chay không?

Tôi không cố ý đụng chạm bất cứ ai, tôi chỉ nói lên quan điểm cá nhân trước các vấn đề đúng hoặc sai. Nếu nghệ sĩ trong giới này có tẩy chay, cô lập thì đó là quyền của họ, tôi cũng không để ý.

Quan trọng nhất đối với tôi: Thứ nhất làm nhạc ra được sản phẩm bản thân thấy thích, thứ hai là những người hiểu, yêu thương mình thích. Tôi chỉ sợ những người hiểu mình lại không chơi với mình nữa thôi, chứ còn những người không hiểu thì kệ họ.

Trên facebook, tôi không muốn chửi nhau. Tôi coi đây là nơi giải trí và giao lưu với mọi người chứ không phải để quảng cáo hình ảnh. Khi họ chửi tôi, tôi chửi lại là điều bình thường.

Khi chơi facebook, tôi không nhận mình là nghệ sĩ mà chỉ là một người bình thường để hòa đồng với tất cả mọi người. Đó là lý do tôi tự nhận mình là thợ hát.

Nhớ lại cách đây hơn 20 năm, tôi đầy ước mơ của tuổi trẻ, nghĩ tới từ ‘nghệ sĩ’ thấy rất đẹp và đầy trân trọng, mong với được tới nó.

Rồi đến khi đi hát tôi thấy từ nghệ sĩ không còn đẹp như mình từng hình dung. Giữa đồng nghiệp với nhau, họ không thật lòng, trước mặt thì anh giai, em giai, sau lưng thì ‘bấm’ bầu show sắp đặt vị trí để nâng người này, dìm người kia theo ý mình muốn, đủ trò hết.

Thôi mình nhận là người đi hát kiếm tiền giống như bao người lao động khác, chứ nhận là nghệ sĩ nghe to lớn lắm. Đến khi lên facebook lỡ lời hoặc hở ra cái gì là bị mọi người lao vào ‘ném đá’, họ lôi từ nghệ sĩ ra quy chiếu, nên tôi nhận từ thợ hát nghe hợp lý hơn. Tôi luôn cho mình là một người bình thường nhất với công việc của một thợ hát, thợ nhạc.

Còn mình có đạt đến vị trí nghệ sĩ hay không thì hãy để cho khán giả tự nhìn nhận và đánh giá.

Cảm ơn ca sĩ Duy Mạnh vì cuộc trò chuyện!

Tổng hợp

 

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button